Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm tốt công tác chuyển đổi số

Ngày 16/12/2021
Việc chuyển đổi đặt ra cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) những cơ hội và thách thức để theo kịp xu hướng công nghệ thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống thông tin.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ điều hành an toàn, điều hòa và hiệu quả cho các hoạt động bay quá cảnh và đi đến trong hai vùng thông báo bay của Việt Nam. Tổng công ty nhận thức đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc đảm bảo an ninh Quốc gia đồng thời góp phần quản lý, điều hành bay, góp phần phát triển kinh tế-xã hội phục vụ đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ của mình, Tổng công ty đang quản lý và khai thác các hệ thống thông tin trọng yếu trực tiếp đảm bảo hoạt động bay.

Họp về tình hình triển khai chuyển đổi số tại Tổng công ty

Cùng với sự phát triển của công nghệ IP và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra, các hệ thống thông tin, dẫn đường giám sát hiện đại trên thế giới đang dần dịch chuyển sang sử dụng công nghệ IP thay vì các nền tảng tương tự cũ. Các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cũng dịch chuyển sang chuyển đổi số. Việc chuyển đổi đặt ra cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam những cơ hội và thách thức như làm thế nào để triển khai thực hiện các bước chuyển đổi số để theo kịp xu hướng công nghệ thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống thông tin.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và sẵn sàng chấp nhận các thất bại.

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn là Việt Nam trở thành Quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Ngày 8/12/2020 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 2269/QĐ-BGTVT về chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu xây dựng hạ tầng công nghệ số phục vụ quản lý điều hành bay, hỗ trợ kiểm soát không lưu bảo đảm an toàn bay.

Ngành Hàng không là một trong những ngành có ứng dụng công nghệ hiện đại, liên tục trên tuyến đầu của chuyển đổi kỹ thuật số kể từ khi cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu gần một phần tư thế kỷ trước. Trong lĩnh vực Hàng không, ngành Quản lý hoạt động bay là một trong những trụ cột sớm có có các ứng dụng số hóa thông tin (digitization), ứng dụng CNTT (Digitalization), thể hiện thông qua việc đầu tư, khai thác các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động bay trên toàn cầu và cũng sẽ là một trong những trụ cột đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành Hàng không.

Nhận thức rõ chuyển đổi số đã được xác định là cơ hội để Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội; bám sát các định hướng, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực chuyển đổi số, Tổng công ty xác định mục tiêu và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển dữ liệu số; Xây dựng nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

PV