Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dự và chỉ đạo Hội nghị
Tham dự Hội nghị tại trụ sở Cục ĐTNĐ Việt Nam có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ GTVT Đào Văn Tiến, Phó Chủ tịch thường trực UBATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt.
Đại diện một số Cục, Vụ trực thuộc Bộ GTVT, các Chi cục ĐTNĐ và các Sở GTVT, các Hiệp hội... tham dự trực tuyến tại các điểm cầu.
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Lê Minh Đạo đã trình bày báo cáo Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2022.
Trong bối cảnh chung hết sức khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ, được sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Bộ GTVT, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2021, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành GTVT.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được quan tâm, chú trọng; hoàn thành 100% chương trình xây dựng VBQPPL; một số cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động vận tải, tháo gỡ vướng mắc doanh nghiệp đã được chú trọng triển khai và bước đầu có kết quả tích cực.
Năm 2021, vận tải hành khách ước đạt gần 165 triệu lượt khách, giảm 27%; về luân chuyển đạt 2,73 tỷ lượt khách.km, giảm 26%. Vận tải hàng hóa ước đạt 316 triệu tấn, giảm 6%; về luân chuyển đạt 67,6 tỷ tấn.km, giảm 2%. Khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển bằng phương tiện thủy nội địa đạt 198 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Vận tải container bằng ĐTNĐ thời gian qua ngày càng tăng, đặc biệt khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 70% hàng container thông được vận tải bằng ĐTNĐ, cảng biển TP. Hồ Chí Minh khoảng hơn 10%, khu vực cảng biển Hải Phòng mới bắt đầu từ 2018 đến nay và ngày càng tăng.
Năm 2021, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa ước đạt hơn 50 nghìn lượt phương tiện thông qua cảng, bến, với khối lượng hàng hóa đạt khoảng 78,5 triệu tấn; tăng gấp hơn 9 lần so với năm 2015 (năm đầu mở tuyến). Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện VR-SB đạt 58 triệu tấn, tăng 57% so với năm 2020, chiếm 29% tổng khối lượng hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa.
Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Lê Minh Đạo trình bày báo cáo
Năm 2021 trên tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 4,75 triệu USD, tăng 5% so với cả năm 2020; nhập khẩu 4,67 triệu USD tăng gần 400% so với năm 2020. Chỉ riêng sản lượng hàng hoá quá cảnh ước đạt 321.055 TEU, bằng sản lượng năm 2020.
Tính đến tháng 12/2021, toàn quốc có 298 cảng thủy nội địa, trong đó: 191 cảng hàng hóa, 10 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng; 6.899 bến thủy nội địa, trong đó, có 5.449 bến có phép hoạt động (tuyến ĐTNĐ quốc gia 3.195 bến, tuyến ĐTNĐ địa phương 2.254 bến), bến không phép là 1.450 (tuyến ĐTNĐ quốc gia 1.066 bến, tuyến ĐTNĐ địa phương 384 bến); 2.526 bến khách ngang sông, trong đó bến có phép là 2.058, đạt 81,5%.
Hoạt động đối thoại với doanh nghiệp và người dân, cải cách thủ tục hành chính được chú trọng. Thông qua đối thoại thường xuyên, nắm bắt được những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, bước đầu đã xử lý được một số nội dung, giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp. Tai nạn giao thông ĐTNĐ tiếp tục giảm ở cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Công tác quản lý bảo trì ĐTNĐ, giải ngân nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế ĐTNĐ có chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ giải ngân ước đạt 95-97%.
Phó Cục trưởng Lê Minh Đạo cũng cho biết, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành ĐTNĐ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được và khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, đóng góp chung vào sự phát triển bền vững của ngành GTVT.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, năm nay Cục đạt được một số điểm sáng nổi bật so với năm trước. Cụ thể như Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt trong năm 2021 là cơ sở quan trọng để triển khai đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đường thủy.
Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Bùi Thiên Thu phát biểu tại Hội nghị
Năm nay, tuy dịch bệnh Covid-19 phức tạp song sản lượng vận tải thủy tiếp tục đạt kết quả tích cực, vận tải hàng hóa chỉ giảm 6% so với năm trước. Xu hướng dịch chuyển hàng hóa xuống đường thủy đang được hình thành, thể hiện qua việc hàng container chở bằng đường thủy qua các cảng biển có xu hướng tăng, vận chuyển hàng qua tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia bằng so với năm trước. Bên cạnh đó, số người chết do TNGT đường thủy giảm hơn 28%, người bị thương giảm hơn 85%. Các nội dung về ứng dụng khoa học công nghệ, giải ngân, hợp tác quốc tế đều đạt kết quả nổi bật hơn các năm trước…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức Cục ĐTNĐ và các đơn vị để vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2021.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ VN tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GTVT. Tiếp tục chú trọng công tác xây dựng văn bản QPPL, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật ngành; khắc phục các hạn chế, tồn tại trong quy hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy theo quy hoạch, vận tải thủy; quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền quản lý để phục vụ mục tiêu phát triển…
Thứ trưởng nhấn mạnh: Cục ĐTNĐ VN cần hỗ trợ các địa phương để triển khai ngay quy hoạch đường thủy nội địa để hình thành các tuyến đường thủy đến từng địa phương, tạo thành mạng lưới đường thủy rộng khắp cả nước. Mục tiêu phát triển đường thủy để phát triển hàng hải, góp phần giảm thiểu áp lực cho vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ các giải pháp quản lý vận tải để vận tải đường thủy tăng trưởng hơn nữa./.
KC