Ấn Độ hướng tới chiến lược 'hành trình xanh' trên biển

Ngày 04/01/2022
Ấn Độ đang đặt mục tiêu dẫn đầu trong lĩnh vực hàng hải toàn cầu, với việc biến vận tải biển trở thành một trong những cách vận chuyển hàng hóa hiệu quả nhất.

Tờ Times of India đăng bài viết của Giám đốc điều hành công ty Seros Logistics Ashish Agarwal với tiêu đề "Hành trình xanh: Cách vận chuyển đường biển có nhiều lợi thế so với các hình thức logistics khác", trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Ngành công nghiệp hậu cần và vận chuyển hàng hóa toàn cầu đang chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải carbon, với ước tính lên đến 7% khí thải toàn cầu. Trong khi đó, các hoạt động phát thải khí carbon cần giảm ít nhất 20% để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 trong giai đoạn 2050-2100.

Các công ty đang áp dụng nhiều phương thức hậu cần xanh, một hiện tượng mới nổi trên toàn thế giới, để thực hiện điều này. Các doanh nghiệp tích cực tham gia vào nhiều sáng kiến thân thiện với môi trường để cắt giảm lượng khí thải carbon và hỗ trợ kiểm soát tình hình khí hậu.

Trong đó, lĩnh vực hậu cần đã trở nên được định hướng và tổ chức theo công nghệ. Có thể thấy, từ việc tăng cường sử dụng các nhiên liệu thay thế như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khí tự nhiên nén (CNG)... đến việc sử dụng xe điện, các công ty hậu cần đang nỗ lực để giảm lượng khí thải carbon.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hậu cần rất rộng lớn và thế giới vẫn còn rất nhiều điều phải làm để cắt giảm khí thải, và một trong số đó là chuyển sang hậu cần hàng hải. Lâu nay, hậu cần hàng hải đã được chứng minh là hiệu quả hơn về chi phí và bền vững với môi trường. Ngoài ra, với xu hướng ý thức môi trường ngày càng tăng, ngành hàng hải cũng cần được phát triển.

Hiện tại, ngành cảng biển chỉ chiếm chưa đến 10% lượng hàng hóa vận chuyển của Ấn Độ. Điều này có nghĩa là có nhiều cơ hội chưa được khai thác mà các công ty đang dần nhận thức được. Nhờ nhiều sáng kiến của chính phủ, sự phát triển của ngành đã tăng tốc.

Chi phí hợp lý

Ấn Độ được thiên nhiên ưu đãi với một trong những đường bờ biển dài nhất hơn 7.000 km. Với đường bờ biển chiến lược, phạm vi gia tăng khối lượng thương mại của quốc gia Nam Á lớn hơn nhiều so với dự kiến. Do đó, một số công ty lớn đang tham gia vào lĩnh vực hậu cần đa phương với vận chuyển ven biển là một phần quan trọng của quá trình vận chuyển.

Sử dụng dịch vụ hậu cần hàng hải là một trong những cách tiết kiệm chi phí nhất để vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là đối với những chặng đường dài. Trên thực tế, chi phí vận chuyển đường biển thấp hơn từ 4-6 lần so với vận tải hàng không và thấp hơn 1/3 so với chi phí logistics đường bộ.

Hiện tại, hơn 50% việc vận chuyển hàng hóa của Ấn Độ là bằng đường bộ. Việc quản lý đường bộ kém gây ra chi phí bổ sung cho các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, từ đó gây ra sự bất tiện cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với logistics đường biển, chi phí vẫn chuyển không những giảm mà thời gian giao hàng cũng ngắn hơn.

Chính phủ đã khởi động Chương trình Sagarmala năm 2017 để giảm chi phí và thời gian của các lô hàng xuất nhập khẩu. Với dự định tăng gấp đôi công suất sử dụng của ngành cảng vào năm 2025, Chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch đầu tư 123 tỷ USD cho 415 dự án trong chương trình, bao gồm hiện đại hóa cảng và phát triển cảng mới.

Điều này làm giảm đáng kể thời gian xuất khẩu. Ấn Độ có 12 cảng chính và hơn 200 cảng phụ cùng một mạng lưới đường thủy rộng lớn. Trong số 200 cảng này có 44 cảng đã hoạt động và một số cảng khác đang dần chiếm thị phần hàng hóa.

Nói một cách tổng thể, lưu lượng tại các cảng không phải cảng chính chiếm đến 45% tải trọng hàng hóa trong năm 2020 của Ấn Độ. Đồng thời, Bộ Cảng biển, Vận tải biển và Đường thủy cũng có kế hoạch vận hành 23 tuyến đường thủy nội địa vào năm 2030, điều này đã chứng minh được hiệu quả về chi phí. Việc giảm thuế GST từ 18% xuống 5% đối với tàu biển nước ngoài và ven biển cũng giúp làm tăng thêm lợi thế của dịch vụ hậu cần hàng hải.

Lý tưởng để di chuyển hàng hóa nặng

Một lợi thế lớn khác của vận tải biển là khả năng di chuyển hàng hóa quá khổ. Những hàng hóa như vậy có thể bao gồm thiết bị nặng, máy móc không phù hợp với vận tải hàng không hoặc thậm chí là vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, nếu so với các hình thức vận tải khác, vận tải biển có lượng khí thải carbon ít nhất và lượng khí thải vốn đã thấp này tiếp tục giảm hơn nữa với những tiến bộ công nghệ.

Ngoài ra LNG, được gọi là nhiên liệu trong tương lai, cũng đang trở nên phổ biến như một loại nhiên liệu hàng hải. Đây cũng là lý do dễ hiểu bởi LNG là nhiên liệu sạch. Các nghiên cứu chỉ ra rằng LNG sẽ giúp làm giảm từ 25-30% lượng khí thải carbon so với các tàu chạy bằng dầu nặng khác.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang không ngừng nỗ lực hướng tới một tương lai xanh hơn. Dự luật Vận chuyển Thương gia được đề xuất, tuân theo các giao thức của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, nhằm mục đích ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ các tàu hoạt động trên biển.

Trong khi đó ngành vận tải biển liên tục được số hóa, từ đó giảm thiểu rủi ro mất mát, hư hỏng hàng hóa. Các tàu cũng được thiết kế để chở các vật liệu nguy hiểm và hàng hóa nguy hiểm được niêm phong tốt trước khi vận chuyển. Sau khi được đóng gói và niêm phong, các thùng chứa sẽ bảo vệ tuyệt vời cho hàng hóa chống lại một số rào cản vật lý như điều kiện khí quyển, lửa hoặc sự dao động nhiệt độ mà các hình thức vận chuyển khác có thể không thực hiện được.

Có thể thấy, Chính phủ Ấn Độ đang đẩy nhanh cơ sở hạ tầng khí đốt ở nước này và việc sử dụng nhiên liệu thay thế sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với một tương lai xanh hơn. Ấn Độ cũng đang tích cực đẩy mạnh chương trình nghị sự để xây dựng một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ cho ngành hàng hải.

Bộ Cảng, Vận tải biển & Đường thủy gần đây đã chuẩn bị một kế hoạch chi tiết có tên Tầm nhìn 2030 của Hàng hải Ấn Độ để đẩy nhanh tốc độ phát triển lĩnh vực hàng hải của quốc gia này trong thập kỷ tới.

Mục tiêu là thúc đẩy Ấn Độ đi đầu trong lĩnh vực hàng hải toàn cầu. Những lợi thế của vận tải biển kết hợp với nhiều nỗ lực của chính phủ đã làm cho ngành hàng hải trở nên giàu có và là một trong những cách vận chuyển hàng hóa hiệu quả nhất.

Ngoài ra, ngành hậu cần cũng phải giám sát một cách có ý thức các động thái để hỗ trợ kiểm soát khí hậu và giúp tạo ra một hệ sinh thái tốt hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ là quốc gia hàng hải lớn thứ 16 trên toàn cầu với rất nhiều tiềm năng trong tay và ngành công nghiệp phải tận dụng cơ hội này./.

 

Nguồn: vr.org.vn