Mong cơ chế đột phá để xây dựng và tiến tới hoàn chỉnh hạ tầng giao thông

Ngày 06/01/2022
"Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt như năm vừa qua, cùng ngành GTVT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, về mặt bằng... tạo ra cơ chế đột phá để xây dựng và tiến tới hoàn chỉnh hạ tầng giao thông của đất nước".

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt như năm vừa qua, cùng ngành giao thông tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, về mặt bằng... tạo ra cơ chế đột phá để xây dựng và tiến tới hoàn chỉnh hạ tầng giao thông của đất nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chia sẻ này được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 5/1/2022.

Nỗ lực khôi phục vận tải, tập trung vào các dự án trọng điểm

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2021 vừa qua, ngành GTVT đã hoàn thành được 8 nhiệm vụ lớn.

Về thể chế, Bộ GTVT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Nghị định, Bộ GTVT ban hành 35 thông tư, 4 đề án tập trung phân cấp phân quyền, hoàn thành cơ bản các nội dung về hoàn thiện thể chế được Chính phủ giao. Đồng thời, Bộ GTVT đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử... với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.

Về bảo đảm vận tải thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ GTVT đã cùng các bộ, ngành, địa phương bảo đảm giao thông thông suốt. Kết quả thể hiện rõ nhất khi hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển có sự tăng trưởng mạnh, hàng container tăng 12%. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành Đường sắt đã có những chuyến tàu container đưa hàng hóa đi châu Âu.

Bên cạnh đó, điểm sáng của vận tải thể hiện rõ với kết quả 3 cảng container của Việt Nam là Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải và cảng Cái Lân nằm trong TOP 100 cảng container hiệu quả nhất thế giới.

Bộ trưởng cho biết, năm 2021 cũng là lần đầu tiên mà 5 quy hoạch ngành GTVT được triển khai đồng bộ dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ. Đến nay, 4 quy hoạch ngành đã được phê duyệt, quy hoạch ngành hàng không cũng đã được Hội đồng thẩm định thông qua.

"Một nỗ lực nữa của ngành Giao thông đó là mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các công trường thi công các dự án giao thông trải dài khắp đất nước vẫn không ngưng nghỉ ngày nào. Đến nay, tiến độ, các dự án giao thông trọng điểm đều đang bám sát kế hoạch. Năm 2021, Bộ GTVT cũng nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công đạt mức 96%, hoàn thành kế hoạch được Chính phủ giao", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Bên cạnh đó, năm 2021 cũng là năm ghi nhận việc Bộ GTVT xử lý dứt điểm nhiều dự án giao thông còn dang dở như: Sửa chữa mặt cầu Thăng Long; sửa chữa 2 đường băng của 2 sân bay lớn Nội Bài và Tân Sơn Nhất; vận hành và bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho TP. Hà Nội.

Về bảo đảm an toàn giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, năm 2021 là năm đầu tiên trong 10 năm liên tục, tình hình tai nạn giao thông giảm rất sâu về số vụ, số người chết, số người bị thương. "Nếu như năm 2011 có khoảng 12.000 người chết vì tai nạn giao thông thì năm nay chỉ còn khoảng 6.000 người chết", Bộ trưởng cho biết.

Năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngành GTVT xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm:

Bộ GTVT tập trung cải cách thể chế, thực hiện các chủ trương phân cấp phân quyền. Trước tiên thực hiện phân cấp, phân quyền các cảng thủy nội địa, phân cho các tỉnh quản lý, điều hành.

Thứ hai, tập trung vào công tác khôi phục vận tải sau đại dịch vì nếu như vận tải không phục hồi, hàng hóa không luân chuyển thì kinh tế sẽ không thể phát triển.

Thứ ba, tập trung thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 sau khi được Quốc hội đồng ý về chủ trương.

Cuối cùng, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được về bảo đảm an toàn giao thông, năm 2022, ngành GTVT tiếp tục đặt mục tiêu giảm 5-10% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Xác định năm 2022 là năm bản lề của nhiệm kỳ 2021-2025, người đứng đầu ngành GTVT chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt như năm vừa qua, cùng ngành GTVT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, về mặt bằng..., tạo ra cơ chế đột phá để xây dựng và tiến tới hoàn chỉnh hạ tầng giao thông của đất nước.

Bộ GTVT cũng mong muốn, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng các dự án giao thông, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, để những công trình giao thông phát huy được hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Đề xuất giao các dự án đầu tư công cho địa phương

Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam Nguyễn Văn Thân đề xuất: Về đầu tư công, trong đó có Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, các đoạn đường đầu tư công qua các địa phương nên để các địa phương làm và ưu tiên doanh nghiệp địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, giao cho các địa phương làm mới phát huy được nguồn lực từ chính quyền và doanh nghiệp. Trong đó, các địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng và ưu tiên doanh nghiệp ở địa phương làm. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có các DNNVV có thể tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án lớn của đất nước.

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cũng đề nghị huy động, đa dạng hoá nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân bằng những phương pháp kỹ thuật và chính sách phù hợp để tiếp tục củng cố niềm tin của xã hội, người dân và doanh nghiệp sau đại dịch trong việc phục hồi kinh tế.

Cho rằng hiện nay, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả về bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ về công nghệ cho DNNVV khó thực hiện, thậm chí không thực hiện, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị, cần tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân vì các doanh nghiệp rất cần vốn nhưng lại khó vay.

Bắt đầu từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Hiệp hội đã kiến nghị giảm 30% thuế thu nhập cho DNNVV đi kèm các tiêu chí và Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay, số % giảm ấy đang để áp dụng vào năm 2020, điểm thời doanh nghiệp làm ăn khó khăn, doanh thu kém, thậm chí không có doanh thu. Bởi lẽ đó, ông Thân kiến nghị áp dụng việc hỗ trợ này vào năm 2019 sẽ có hiệu quả hơn.

Cuối cùng, ông Thân đề nghị, một phương án mà các nước phát triển đã triển khai khi đầu tư công, đó là dành số % nhất định của trong thành phần của các công trình, các dự án đầu tư công cho DNNVV tham gia để thêm cơ hội cho các doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ phần phát biểu, ông Nguyễn Văn Thân gửi lời cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đặc biệt đến DNNVV - thành phần kinh tế chiếm 98% tổng số DN, chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tác động của đại dịch COVID -19.

Nguồn: Chinhphu.vn