Tháo gỡ "nút thắt", đẩy tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Ngày 07/01/2022
Ngày 6/1, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đi kiểm tra và đốc thúc tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua Đồng Nai, Bình Thuận.

Ngày 6/1, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và có nhiều chỉ đạo "nóng" tại công trường. Đây là buổi kiểm tra thực địa thi công lần thứ hai của lãnh đạo Bộ trong 1 tháng qua.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra thi công
tại nút giao kết nối cao tốc Long Thành ngày 6/1.

Tăng tốc thi công

Theo ghi nhận của PV, trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây không khí thi công những ngày đầu năm rất khẩn trương. Tại các gói thầu XL-03, XL-04, nhà thầu bố trí nhiều mũi thi công thảm nhựa mặt đường, cầu, hầm chui dân sinh trên dọc tuyến.

Quan sát cho thấy tại km99 do vướng mặt bằng nhà thầu chưa thể thi công cầu vượt kết nối vào nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành). Tại đây một số trụ cầu đã thi công xong, nhiều máy móc đã được huy động đến công trường nhưng chưa thể tiếp tục thi công hạng mục tiếp theo do vướng mặt bằng.

Clip: Thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua Đồng Nai

Báo cáo với Đoàn công tác Bộ GTVT ông Nguyễn Doãn Tân - Giám đốc điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, hiện tại giá trị giải ngân năm 2021 đạt 2.116 tỷ/2,109 tỷ kế hoạch vốn (đạt hơn 100%),

Về mặt bằng đoạn tuyến qua Đồng Nai còn vướng 2 điểm tại huyện Cẩm Mỹ và huyện Thống Nhất. Cụ thể, còn vướng 7 hộ ở (km97, huyện Cẩm Mỹ), 4 hộ thuộc nút giao kết nối cao tốc Long Thành (km 99, huyện Thống Nhất). Hai vị trí này tồn tại hơn 1 năm qua, nhà thầu vẫn chưa được bàn giao mặt bằng sạch để thi công.

Tuy tiến độ chưa đáp ứng được kế hoạch sản lượng, nhưng với phương pháp tổ chức huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực. Đồng thời, các mỏ đất được cấp phép ngay trong tháng này thì tiến độ của dự án trong quý I/2022 có thể vượt tiến độ yêu cầu.

Đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra thi công
tại gói thầu XL-03 qua huyện Xuân Lộc.

Đơn cử như tại gói thầu XL-03 trong 3 tháng gần đây tiến độ gói thầu có chuyển biến rõ rệt, nhà thầu đang thảm bê tông nhựa nhưng tiến độ chung vẫn chậm do phần nền đường thi công “xôi đỗ”.

Dự kiến nếu không có đất đắp nền trong tháng 1/2022 thì đến 3/2022 gói thầu tạm dừng (xong 15km hoàn chỉnh đến bê tông nhựa, 20km còn lại chờ khi nào có đất mới làm tiếp).

Về khó khăn vật liệu đất đắp sau khi có Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ đến nay Bình Thuận đã cấp được các mỏ vật liệu cung cấp đủ cho hai gói thầu XL-01, XL-02. Riêng tỉnh Đồng Nai đang hoàn thiện thủ tục để cấp phép. Trước tiến độ gấp rút của dự án, Ban QLDA Thăng Long yêu cầu các nhà thầu phải cử lãnh đạo thường trực chỉ huy bám sát tại công trường.

"Để đạt mục tiêu thi công xong tối thiểu 1 lớp cấp phối đá dăm, hoàn thiện cầu và cống trên tuyến cao tốc trước 30/6/2022. Ban đã đôn đốc chỉ đạo các nhà thầu, Tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch thi công bù lại sản lượng bị chậm, thi công liên tục, tăng ca kể cả dịp Lễ, Tết", đại diện Ban điều hành dự án cho hay.

Thi công thảm nhựa mặt đường tại gói thầu XL-03 qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Thi công xuyên Tết bù tiến độ

Tại buổi kiểm tra công trường, các nhà thầu đều cam kết sẽ thi công không nghỉ dịp Tết Nguyên đán 2022. Đại diện nhà thầu cho biết hiện đang "gồng" và chấp nhận lỗ để thi công do ảnh hưởng dịch Covid-19 và giá vật liệu tăng cao đột biến trong gần 1 năm thi công.

Sau một năm triển khai, đã trải qua 2 đợt bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dịch bùng phát dẫn đến hạn chế đi lại, cách ly diện rộng gây thiếu hụt nhân công. Trong khi đó tiến độ công trình không phải dừng lại nên nhà thầu phải thuê nhân công giá cao hơn so với bình thường 100%,

Từ khi bắt đầu thi công, nhiều loại vật liệu chính đã tăng giá đột biến như thép, đất đắp các loại, thực tế các nhà thầu đang phải bù lỗ để triển khai thi công.

Giá thép mua trên thị trường hiện nay cao hơn hơn 50%, vật liệu đắp nền đường tăng 35-40%, cát, đá các loại tăng hơn 60% so với thời điểm các nhà thầu tham dự đấu thầu.

Thi công cầu vượt tại gói thầu XL-02 qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Theo Văn phòng điều hành dự án cao tốc, hiện nay các nhà thầu đang kiến nghị tính toán chỉ số riêng để áp dụng cho dự án. Qua rà soát Ban thấy là phù hợp với tình hình thực tế về biến động giá vật liệu, nhân công trong quá trình triển khai. Theo đó kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Xây dựng làm việc với địa phương để tính toán chỉ số Pn (chỉ số trượt giá) riêng phù hợp với thực tế triển khai.

Tại buổi kiểm tra hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hai gói thầu XL-01, XL-02 đoạn qua tỉnh Bình Thuận không gặp vướng mắc mặt bằng, vật liệu cộng thêm thời tiết khô ráo, thuận lợi các nhà thầu phải huy động cao độ nhân vật lực tăng tốc thi công.

Thứ trưởng lưu ý thời gian chính thức thi công còn lại không nhiều, yêu cầu Ban QLDA đôn đốc các nhà thầu bằng mọi cách huy động nhân lực, thiết bị, tập kết vật liệu đến công trường đẩy tiến độ thi công.

"Đối với các nhà thầu chậm tiến độ giao Ban QLDA rà soát hợp đồng, điều tiết khối lượng giữa các nhà thầu đảm bảo tiến độ chất lượng thi công. Các khó khăn vướng mắc phát sinh phải báo cáo kịp thời để kịp thời tháo gỡ đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Vĩnh Phú