Nhiều cảng thủy “già cỗi”, lạc hậu
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT khảo sát hơn 100km dọc tuyến sông Hồng từ Hà Nội đến Nam Định và tuyến sông Ninh Cơ bằng phương tiện thủy để nắm bắt thực tế luồng tuyến, cảng bến và hoạt động vận tải thủy trên tuyến.
Đây là 2 tuyến thuộc hành lang vận tải thủy Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình qua sông Hồng và kết nối với tuyến vận tải ven biển qua sông Ninh Cơ tại cửa Lạch Giang.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang (thứ hai, bên trái) lắng nghe chủ cảng Long Thủy chia sẻ, đề xuất
Ghi nhận của PV, ngoài đoạn cong cua Mom Rô (đầu sông Ninh Cơ) khó đi và bị cạn, hiện toàn bộ luồng đường thủy theo hành hình trên đều có độ sâu, chiều rộng thông thoáng, đảm bảo cho phương tiện thủy 2.000-3.000 tấn hoặc sà lan chở container 2-3 lớp lưu thông.
Tuy vậy, đến nay trên dọc hành lang này vận tải thủy này mới chủ yếu có phương tiện chở hàng vật liệu xây dựng, hàng rời (than, xi măng, gạch, nông sản…) mà chưa có sà lan vận chuyển container, hàng xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, chỉ thấy một vài cảng thủy hàng hóa được xây dựng mới, song đều bốc hàng rời.
Tại cảng Long Thủy (sông Hồng, huyện Bình Lục, Hà Nam), Giám đốc cảng Trịnh Công Dương cho biết, cảng này hiện chủ yếu khai thác hàng nông sản, còn tiềm năng chưa tận dụng được là hàng hóa từ khu công nghiệp Thái Hà cách cảng không xa.
“Phương tiện đi từ đây về Nam Định hay Hà Nội chỉ gặp khó khăn khi lưu thông qua khu vực Mom Rô. Nếu đoạn cạn này được nạo vét, tàu 2.000 -3.000 tấn lưu thông dễ dàng. Cảng mong được mở rộng hơn để thu hút nguồn hàng xuất nhập khẩu từ các khu công nghiệp xung quanh”, ông Dương cho biết.
Chia sẻ với đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để 1-2 tháng nữa nạo vét, xử lý dứt điểm đoạn cạn trên, tạo thuận lợi cho phương tiện lưu thông.
Thứ trưởng cũng ủng hộ đơn vị đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực xếp dỡ, mở rộng cảng để thu hút nguồn hàng hóa từ các khu công nghiệp tại Hà Nam và Hưng Yên.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nghe lãnh đạo cảng Khuyến Lương báo cáo, đề xuất
Ngoài cảng trên, dọc sông Hồng từ Hà Nam, Hưng Yên về Hà Nội đến nay chỉ có vài cảng có khả năng đón tàu trọng tải lớn, trong đó có một số cảng nổi tiếng một thời như cảng Hà Nội, Hồng Vân, Khuyến Lương. Tuy vậy, các cảng này hiện có cần cẩu xếp dỡ lạc hậu và chỉ khai thác hàng rời như các bến thủy nhỏ, lẻ khác.
Trong khi đó cảng Khuyến Lương mấy năm qua gặp khó khăn do vùng nước trước cầu cảng bị bồi lắng khiến tàu trọng tải lớn khó ra, vào. Còn cảng Hồng Vân, sau nhiều năm khai thác bị xuống cấp và cách đây vài tuần bị sụt lún một góc cầu cảng, buộc phải tháo dỡ một trụ cẩu để kè đá, triển khai các giải pháp ngăn sạt lở.
Trực tiếp kiểm tra hiện trạng cảng Hồng Vân, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu đơn vị chủ cảng, Cục Đường thủy nội địa VN báo cáo Bộ GTVT về vấn đề sụt lún cảng và khẩn trương có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn cho cảng, đê đường, đường thủy trong khu vực trên.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại cuộc làm việc tại cảng Hồng Vân
Kết hợp quy hoạch cảng cạn ICD gồm có cảng thủy
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021-2030, tấm nhìn đến năm 2050, tuyến sông Hồng từ Hà Nội đến Nam Định nằm trong Hành lang vận tải thủy Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình. Đây là một trong 4 hành lang vận tải thủy phía Bắc được quy hoạch, ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng luồng tuyến, tĩnh không cầu để nâng cao năng lực vận tải thủy phía Bắc, góp phần giảm giá thành vận tải.
“Luồng tuyến, tĩnh không cầu trên hành lang đường thủy này hiện khá thuận lợi cho phương tiện thủy trọng tải lớn, tàu chở container lưu thông. Sắp tới, khi dự án kênh nối kênh Đáy - Ninh Cơ, dự án xây dựng cầu Đuống mới hoàn thành, hành lang vận tải thủy này lưu thông dễ dàng ra tuyến ven biển, đáp ứng tàu trọng tải lớn, tàu SB, tàu chở container”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.
Làm việc với các đơn vị cảng thủy trên hành lang, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ủng hộ các cảng đầu tư, nâng cấp để nâng năng lực xếp dỡ, song cũng khuyến khích phát triển theo hướng đầu tư thành cảng cạn (cảng ICD) bao gồm cảng thủy nội địa, giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngay tại cảng thủy.
“Các cảng thủy trên hành lang này sẽ được sử dụng để trung chuyển hàng hóa cho miền Trung - Nam qua tuyến ven biển và hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển.
Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, quy hoạch tổng thể cảng cạn ICD quốc gia và ủng hộ các địa phương, đơn vị kinh doanh cảng thủy đầu tư mở rộng nâng cấp cảng hiện có theo hướng tích hợp cảng thủy nằm trong cảng cạn ICD để tạo sự đột phá của cảng thủy”, Thứ trưởng Sang nói.
Thứ trưởng cũng giao các Cục Đường thủy nội địa VN tích cực hỗ trợ cảng Hồng Vân, Khuyến Lương, Long Thủy và các doanh nghiệp khác thực hiện các thủ tục để đầu tư hiện đại hóa cảng.
Ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Interserco, đơn vị đang triển khai dự án đầu tư nâng cấp cảng thủy Hồng Vân trở thành cảng hiện đại, bao gồm cảng thủy khai thác hàng container và tiếp nhận tàu SB, phương tiện thủy trọng tải lớn và làm thủ tục hải quan ngay tại cảng.
Ủng hộ việc phát triển cảng thủy Hồng Vân trên địa bàn thành cảng hiện đại, ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư huyện ủy Thường Tín (Hà Nội) cho biết, khi chủ trương, thủ tục chấp thuận dự án được Bộ GTVT và Hà Nội thông qua, huyện sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện thuận lợi tốt đa để doanh nghiệp sớm hoàn thành đầu tư, nâng cấp cảng.
Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 10/2021, sông Hồng và Ninh Cơ nằm trong Hành lang vận tải thủy Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình, với mục tiêu đến năm 2030 vận tải hàng hóa đạt 21,5-22,6 triệu tấn.
Đến năm 2030, Hà Nội có 5 cụm cảng hàng hóa (cụm trung tâm, cụm Nam - Bắc - Đông - Tây), với 28 cảng, trong đó trên tuyến sông Hồng thuộc Hà Nội có 17 cảng, trong đó có 6 cảng hiện có như Hồng Vân, Khuyến Lương, cảng Binh đoàn 11.
PV