Hà Tĩnh: Thống nhất hướng tuyến, các công trình thuộc dự án cao tốc Bắc- Nam đoạn qua xã Thanh Bình Thịnh

Ngày 11/02/2022
Các đơn vị liên quan đã làm việc để thống nhất hướng tuyến và các công trình trên tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh) nhằm hạn chế thấp nhất mức ảnh hưởng và tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất.

Sáng nay (11/2), UBND huyện Đức Thọ phối hợp với Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT), Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT – CTCP (TEDI) tổ chức buổi làm việc để thống nhất hướng tuyến và các công trình trên tuyến thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Thanh Bình Thịnh.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam đoạn qua xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ) có chiều dài 4,08km, đi qua 6 thôn với diện tích đất thu hồi trên 13 ha.

Trong đó, 10 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trên 3 ha đất đường giao thông, kênh mương thủy lợi và đất trồng cây lâu năm.

Đoàn kiểm tra thực địa tại điểm cầu vượt bắc qua kênh nhà Lê

Đơn vị tư vấn thiết kế đã nghiên cứu rất kỹ để thiết kế và hướng tuyến sao cho hạn chế xuống mức thấp nhất ảnh hưởng đến người dân. Theo đó, toàn bộ tuyến đường đi qua xã Thanh Bình Thịnh đều tránh các khu dân cư, nghĩa trang và các công trình trọng điểm vốn có.

Trên tuyến, đơn vị tư vấn thiết kế cũng đã thiết kế các điểm cầu vượt, cống chui phù hợp với các tuyến đường gom nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đi lại và sản xuất.

Đối với hệ thống đường gom dân sinh, các đơn vị cơ bản thống nhất cao với đề xuất đưa ra của đơn vị tư vấn thiết kế. Đối với các hệ thống thoát lũ, đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế bố trí cống có khẩu độ lớn hơn dòng chảy tối thiểu là gấp 2 lần, bố trí thêm các hệ thống cống thoát lũ định hình đề phòng khi có mưa lũ lớn, hệ thống thoát lũ không đáp ứng được.

Đối với các vùng đất xen kẽ giữa đường cao tốc và đường gom sẽ không sản xuất được, cần bố trí khu vực đất trồng cây xanh để có cơ sở thu hồi giải phóng mặt bằng.

Biện pháp tổ chức thi công thứ nhất là bố trí đường công vụ ngay trên đất đã được giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa việc sử dụng đường địa phương. Nếu buộc phải sử dụng đường địa phương thì phải đưa vào tuyến đường phục vụ dự án để có phương án hoàn trả.

Địa phương tuyệt đối không cho đơn vị thi công mượn đường giao thông để phục vụ cho việc xây dựng dự án nếu như không được đưa vào thiết kế ban đầu; nghiên cứu kỹ vấn đề đổ thải nhằm tiết kiệm được thời gian cũng như kinh phí trong thực hiện dự án.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh