Khoa học công nghệ: Giá trị then chốt trong phát triển kết cấu hạ tầng

Ngày 14/02/2022
Nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của ngành GTVT là tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến; ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình... Đây là tiền đề quan trọng để hoạt động KHCN ngành GTVT tiếp tục phát triển thời gian tới.

khoa hoc - cao toc

Cao tốc Bắc - Nam (Ảnh minh họa)

Trong năm 2021, công tác xây dựng, cập nhật chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chuẩn (TCVN, TCCS), quy chuẩn kỹ thuật được Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT) tiếp tục đẩy mạnh triển khai trên các lĩnh vực của Ngành, trong đó đặc biệt trú trọng công tác rà soát các tiêu chuẩn TCVN nhằm đáp ứng yêu cầu hài hòa với tiêu chuẩn thế giới, tiêu chuẩn khu vực và phù hợp với yêu cầu thực tiễn sản xuất của Ngành. Theo đó, Bộ GTVT đã ban hành 5 QCVN, gửi đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 31 TCVN, chỉ đạo Tổng cục ĐBVN, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT công bố 4 TCCS; chủ trì trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành 1 thông tư, đã hoàn thiện hồ sơ để trình ban hành 1 dự thảo nghị định, 3 dự thảo thông tư.

Bên cạnh đó, Vụ Khoa học và Công nghệ đã xác định đề tài và tuyển chọn cơ quan chủ trì đề tài KHCN cấp Bộ năm 2021 theo đúng tiến độ kế hoạch; tổ chức hội đồng tuyển chọn bổ sung nhiệm vụ đề tài KHCN năm 2021; đã thành lập 50 hội đồng nghiệm thu và tổ chức nghiệm thu 27 đề tài cấp Bộ, thường xuyên đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện nội dung nghiên cứu theo tiến độ được phê duyệt, triển khai kiểm tra việc thực hiện kế hoạch KHCN tại các đơn vị; tổ chức triển khai, kiểm tra các nhiệm vụ KHCN năm 2021 tại các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì nhiệm vụ.

Đồng thời, Vụ đã tham mưu xây dựng kế hoạch KHCN năm 2022 (46 đề tài; 69 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 17 nhiệm vụ thường xuyên tiêu chuẩn ngành) gửi Bộ Khoa học và Công nghệ; rà soát phê duyệt thuyết minh, dự toán của nhiệm vụ KHCN năm 2022; triển khai phê duyệt 1 đề tài bổ sung năm 2021 theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ chủ trì góp ý kiến dự thảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của các bộ, ngành khác; góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.

Đưa nhiều sản phẩm công nghệ vào áp dụng

Thời gian qua, công tác ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác bảo trì (công nghệ cào bóc tái chế nguội, công nghệ bê tông nhựa ấm, mặt đường bán mềm...) đã được triển khai, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đồng thời, các đơn vị đã tổ chức triển khai công tác thử nghiệm các công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông như: Phối hợp với đối tác Úc triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc Chương trình Aus4Transport của Chính phủ Úc “Đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Vụ Khoa học và Công nghệ còn tập trung góp ý kiến nhiều dự án về chủ trương đầu tư các dự án, hồ sơ thiết kế, quy trình bảo trì, chỉ dẫn kỹ thuật, các vấn đề kỹ thuật, tham gia tổ giám định xây dựng xác định nguyên nhân hư hỏng, làm cơ sở lập phương án sửa chữa các bộ phận công trình hư hỏng tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; kiểm tra hiện trường các dự án cao tốc: Mai Sơn - QL45 và Cam Lộ - La Sơn; tham gia công tác nghiệm thu dự án QL1A đoạn qua tuyến tránh Thành cổ - Quảng Trị; tham gia ý kiến cho dự thảo văn bản của Bộ GTVT triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP liên quan đến công tác bảo trì, phá dỡ công trình xây dựng; tham gia các cuộc họp về dự án đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2: Bùng - Vạn Ninh - Cam Lộ; Quảng Ngãi - Quy Nhơn - Tuy Hòa - Phan Thiết; Cần Thơ - Cà Mau; Dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về phương án đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Làm chủ cách mạng công nghiệp 4.0

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Bộ GTVT triển khai các nhiệm vụ được giao. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của ngành GTVT trong thời gian qua đã đem lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý điều hành sản xuất, phục vụ doanh nghiệp và người dân, qua đó từng bước chuẩn bị cho việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tháo gỡ cơ chế trong quản lý nhà nước về KHCN

Để tháo gỡ cơ chế trong quản lý nhà nước về KHCN cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý cũng như trong hoạt động quản trị và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp; tiếp tục rà soát chỉnh sửa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về GTVT theo tiến độ, đáp ứng yêu cầu thực tế; tăng cường kiểm tra việc áp dụng, thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Đòng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực công nghiệp GTVT theo hướng làm chủ công nghệ chế tạo các sản phẩm, thiết bị phục vụ trực tiếp cho ngành GTVT; chuẩn hóa các tiêu chí có liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các loại hình phương tiện và các trang thiết bị trong ngành GTVT; nghiên cứu hệ thống hóa và triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại về giao thông thông minh trong quản lý vận hành khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như kiểm soát giao thông, kiểm soát tải trọng, thu phí điện tử; triển khai áp dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa, công nghệ bê tông nhựa rỗng trong xây dựng, sửa chữa đường bộ...; đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

P.V