Chuyển đổi số tại Đăng kiểm Việt Nam giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó

Ngày 14/02/2022
Nhìn lại một năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu và động lực để phát triển.

100% thủ tục hành chính do khối cơ quan Cục Đăng kiểm Việt Nam
thực hiện đều được thông qua Cổng Một cửa điện tử Bộ GTVT

Chuyển đổi số trong đăng kiểm, người dân và doanh nghiệp lợi gì?

Những ngày đầu năm mới, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, dữ liệu phương tiện trên Cổng Thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện đã giúp cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân có thể tra cứu thông tin 24/24h.

Đây là thành quả của cả quá trình xây dựng cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, tin học hóa các quy trình, phục vụ công tác đăng kiểm, góp phần hiện đại hóa hành chính.

Đến nay, Đăng kiểm Việt Nam đã tin học hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động. Các dữ liệu về hồ sơ kỹ thuật phương tiện xe cơ giới, tàu sông, tàu biển, công trình biển, sản phẩm công nghiệp được quản lý tập trung bằng phần mềm chuyên dùng, hỗ trợ cho đơn vị và đăng kiểm viên kiểm tra hiện trường. Nhiều công đoạn kiểm tra phương tiện cơ giới đường bộ được tự động hóa, kết nối máy tính, tự động đánh giá kết quả kiểm tra.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về phương tiện; thực hiện kết nối, chia sẽ dữ liệu phục vụ công tác thu phí sử dụng đường bộ, thu thuế trước bạ, đăng ký phương tiện...; tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu các lĩnh vực đăng kiểm tàu sông, tàu biển, công trình biển, xe cơ giới, phương tiện đường sắt; áp dụng thanh toán hóa đơn điện tử tại tất cả các đơn vị trực thuộc; sử dụng thiết bị chữ ký tốc độ cao HMS trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu.

Toàn bộ hồ sơ cho các thủ tục hành chính liên quan tới lĩnh vực đăng kiểm được quản lý bằng phần mềm dưới hai hình thức: Dịch vụ công trực tuyến hoặc Một cửa điện tử. Điển hình là công tác kiểm tra chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ nhập khẩu thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên Cổng Một cửa ASEAN và cấp chứng chỉ điện tử.

Nhận định về hiệu quả chuyển đổi số trong ngành Đăng kiểm đối với doanh nghiệp và người dân, ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, giải pháp để nâng hiệu quả quản lý và hiện đại hóa nền hành chính. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng kiểm, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số được gắn kết cải cách hành chính và Chính phủ điện tử, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, kết nối và chia sẻ dữ liệu. Trên nền tảng tin học hóa, số hóa mà Cục đã xây dựng được, thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nghiên cứu xây dựng Trung tâm tích hợp, chia sẻ và phân tích dữ liệu phương tiện phục vụ cho hoạt động của ngành GTVT cũng như chia sẻ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, nâng cấp, xây dựng mới các phần mềm chương trình ứng dụng quản lý chuyên ngành đăng kiểm để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận điện tử cho các phương tiện, thiết bị GTVT và công trình dầu khí biển.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp, người dân dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc thực hiện thủ tục đăng kiểm, nhận kết quả chứng nhận kiểm định điện tử, rút ngắn quy trình thủ tục và thời gian so với phương thức truyền thống”.

Kiến trúc Chính phủ điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Gia tăng thủ tục trực tuyến

Số lượng thủ tục trực tuyến đánh giá kết quả triển khai chuyển đổi số, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết cơ bản đã kịp thời ban hành đầy đủ các Kế hoạch, Chương trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số.

Số lượng thủ tục trực tuyến, mức độ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến/tổng số hồ sơ liên tục tăng, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Bước đầu xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin dùng chung và các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành của Cục và các đơn vị trực thuộc. 100% thủ tục hành chính do khối cơ quan Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện hiện đều được thông qua Cổng Một cửa điện tử Bộ GTVT.

Các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử trực tiếp thông qua chức năng gửi văn bản nội bộ, được phân quyền theo tài khoản người dùng trên hệ thống đảm bảo 100% văn bản đều được, gửi, nhận qua trục văn bản liên thông...

Theo báo cáo, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện phần mềm cho 43 dịch vụ hành chính công để thực hiện trực tuyến, trong đó phần giao tiếp với người dân và doanh nghiệp nằm trên Cổng Dịch vụ công của Bộ GTVT.

Trước tình hình trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Bộ GTVT thực hiện việc kết nối các dịch vụ hành chính công của Cục lên hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Theo đó, việc thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công phải đạt 25% và tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia phải đạt tỷ lệ 50%.

Mặt khác, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn trong công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân để quản lý đảm bảo an toàn thông tin.

Nguồn: Tạp chí GTVT