"Dệt" mạng lưới giao thông Đồng bằng sông Cửu Long thông suốt

Ngày 22/02/2022
Nhiều năm qua, Chính phủ đã và đang dồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một số dự án giao thông trọng điểm như: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2),... từng bước được đưa vào khai thác sẽ "dệt" thành mạng lưới giao thông kết nối toàn vùng một cách đồng bộ, thông suốt và hiệu quả.

Công trình cầu Mỹ Thuận 2 đang dần hình thành phần tháp chính.

Nhiều năm qua, Chính phủ đã và đang dồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một số dự án giao thông trọng điểm như: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2)... từng bước được đưa vào khai thác sẽ "dệt" thành mạng lưới giao thông kết nối toàn vùng một cách đồng bộ, thông suốt và hiệu quả.

Trong đợt kiểm tra tiến độ các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại đồng bằng sông Cửu Long đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương gỡ vướng trong khâu giải phóng mặt bằng, cung ứng vật liệu đất đắp nền đường, tạo đà cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án sớm hơn dự kiến và bảo đảm yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ quan.

Tháo gỡ khó khăn, thi công vượt tiến độ

Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông, dài 6,61 km; trong đó cầu chính dài 1,9 km, đường dẫn 4,7 km, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Hiện tại, giá trị xây lắp của dự án đạt 47,6%, vượt mốc tiến độ đề ra, đến cuối tháng 1/2022, giải ngân vốn đạt hơn 59%. Dự kiến năm 2023, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.

Những ngày nửa cuối tháng 2, tại công trường dự án, ở cả hai phía Vĩnh Long và Tiền Giang, có hàng trăm kỹ sư, công nhân đang tất bật, khẩn trương thi công các gói thầu xây lắp. Anh Hoàng Xuân Trường, công nhân gói XL03B phấn khởi cho biết, sau Tết Nguyên đán, hầu hết công nhân đã trở lại công trường, cố gắng làm việc hết mình, tiếp tục phấn đấu vượt tiến độ đề ra. Dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng được các đơn vị nhà thầu tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán vừa qua. Toàn tuyến dài 23 km, tổng mức đầu tư 4.826 tỷ đồng, kéo dài từ cầu Mỹ Thuận 2 đến tiếp giáp cầu Cần Thơ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai tỉnh Ðồng Tháp, Vĩnh Long tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân, bàn giao nhanh mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Ðể cung cấp đủ vật liệu đất đắp nền đường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương rà soát lại việc cấp mỏ, giao cho chủ đầu tư, nhà thầu theo đúng quy định pháp luật để tránh đội giá và nảy sinh tiêu cực. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu phương án sử dụng cát biển san lấp nền đường. Theo kế hoạch, dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ được đưa vào khai thác trong quý I năm 2023.

Ngày 18/1 vừa qua, người dân An Giang hết sức vui mừng khi dự án đầu tư xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên được khởi công. Ðây là dự án nằm trong tổng thể quy mô chung của dự án kết nối đồng bằng Mê Công. Theo Bộ Giao thông vận tải, đoạn quốc lộ 91 đi qua trung tâm thành phố Long Xuyên (An Giang) hiện nay đã quá tải, không còn đủ năng lực đáp ứng lưu lượng phương tiện qua lại và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Do đó, việc xây dựng tuyến tránh là cấp bách, bảo đảm tính liên tục của quốc lộ 91 hiện nay theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi dự án đi qua huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ và thành phố Long Xuyên, bao gồm việc xây dựng mới 15,3 km chính tuyến và nâng cấp cải tạo khoảng 2 km quốc lộ 80 với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.

 Công nhân lắp đặt các rọ đá chống sạt lở ven bờ
cho luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Kết nối liên vùng

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) Trần An Hải cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu với mục tiêu xây dựng luồng tàu biển cho tàu mớn nước đến 8 m, trọng tải 10 nghìn tấn đầy tải, 20 nghìn tấn giảm tải, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua 21-22 triệu tấn/năm, hàng container 450 nghìn-500 nghìn TEUs/năm; hình thành bể cảng tại kênh Tắt và phối hợp cảng biển tổng hợp Trà Vinh tại Khu kinh tế Ðịnh An. Công trình gồm: luồng ra vào sông Hậu dài 46,5 km, bao gồm đoạn sông Hậu dài 19,2 km, đoạn kênh Tắt dài 8,2 km, tuyến đê chắn sóng phía nam 2,4 km, kè bảo vệ đoạn luồng kênh tắt. Trong giai đoạn 2, công trình được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng bằng vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong năm 2021 được giao 30 tỷ đồng (đã giải ngân 100%). Ở giai đoạn 2, sẽ xây kè bảo vệ kênh Quan Chánh Bố dài 18,6 km; 4,7 km đường dân sinh,... Tháng 12/2021, các đơn vị đã triển khai thi công gói thầu SH2-XL01 gồm xây dựng đường ven kênh Tắt và cầu Kinh Xáng với giá trị hơn 125 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2023, các hạng mục công trình giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu (An Giang) Nguyễn Ngọc Vệ cho hay, dự án xây dựng cầu Châu Ðốc dài hơn 20 km, tổng mức đầu tư hơn 2.131 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh An Giang sẽ được khởi động trong quý I này. Công trình sẽ tháo gỡ nút thắt giao thông bấy lâu nay, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương hàng hóa của tỉnh An Giang với địa phương và nước láng giềng Campuchia thông qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương.

Dự án hoàn thành sẽ thu hút du khách đến tham quan khu du lịch sinh thái Tràm Chim, Bà Chúa Xứ-Núi Sam, Nhà Bàng-Núi Cấm,... Ông Tứ Sơn, chủ doanh nghiệp Tứ Sơn tại thành phố Châu Ðốc hồ hởi: "Có cầu Châu Ðốc sẽ giúp cho việc đi lại, tiêu thụ hàng hóa được dễ dàng và thông suốt hơn. Nhờ đó, việc kinh doanh của gia đình tôi tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển, có thêm lợi nhuận". Còn tại Sóc Trăng, Chính phủ đã bổ sung vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để tỉnh xây dựng cầu cảng dài 16 km vươn ra biển. Cầu cảng này nằm trong dự án cảng biển nước sâu thuộc huyện Trần Ðề, đã được Trung ương phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh còn hai dự án lớn đã được Chính phủ phê duyệt, đầu tư từ nguồn vốn Trung ương là cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và cầu

Ðại Ngãi. Tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện các thủ tục, sớm triển khai dự án cầu Ðại Ngãi và hỗ trợ tỉnh đầu tư đường dẫn từ cầu Ðại Ngãi kết nối quốc lộ 60 hiện hữu. Tuyến đường sẽ tạo thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư cảng nước sâu Trần Ðề, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. UBND tỉnh Sóc Trăng cam kết triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành theo quy định. Ðường cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2 km, tổng mức đầu tư 44.300 tỷ đồng bằng vốn đầu tư công, riêng đoạn qua Sóc Trăng dài 56,67 km. Ðây là tuyến giao thông trục ngang, kết nối các tỉnh phía tây và phía đông của đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trần Văn Lâu cho biết, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, dự kiến cuối năm 2022, đầu năm 2023, ba dự án lớn gồm cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, cảng biển nước sâu Trần Ðề và cầu Ðại Ngãi sẽ được khởi công. Các đơn vị chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và địa phương liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu huy động cao nhất về nhân lực, máy móc, thiết bị, tăng tốc thi công các dự án, bảo đảm đúng tiến độ, đồng thời đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển và giao thông thủy, hệ thống các công trình dịch vụ-hậu cần nhằm giảm chi phí logistics, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản, tạo động lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long cất cánh.

Nguồn: Báo Nhân Dân