Ngày 15/3, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cho TP Cần Thơ và 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Hội nghị tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chủ trì.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại Hội nghị.
Dốc toàn lực đảm bảo tiến độ
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam có chiều dài 729 km, đi qua địa bàn 12 tỉnh, thành.
Đến nay, công tác lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm mốc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau đã hoàn thành tổng cộng 36,5 km.
Trong đó Cần Thơ là 2,4 km tuyến nối, Hậu Giang 16,5 km, Bạc Liêu 6,3 km, Kiên Giang 5,3 km và Cà Mau 6 km.
Thực hiện theo Nghị quyết 18 của Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó có một số mốc quan trọng liên quan đến dự án.
Trong đó, tháng 12/2022 sẽ triển khai khởi công và đây là tiến độ rất gấp.
Theo Thứ trưởng, để phê duyệt dự án, cần phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, từ khâu lập hồ sơ khảo sát để nghiên cứu, lập dự án đầu tư...
Đồng thời phải triển khai phê duyệt, lập thẩm định phê duyệt khung chính sách GPMB đối với dự án đi qua địa bàn; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường; lấy ý kiến giám sát cộng đồng dân cư nơi dự án đi qua. Tất cả các thủ tục này phải hoàn thành từ nay cho đến ngày 30/6. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm thông tin, ngày 13/3 vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB đoạn tuyến từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.
Ngày 15/3, song song với việc bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB cho TP Cần Thơ và 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bộ GTVT cũng đồng thời bàn giao cho 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
“Rất mong các địa phương ủng hộ, phối hợp chặt chẽ cùng Bộ GTVT để thực hiện đúng kế hoạch tiến độ dự án đã đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chia sẻ.
Quang cảnh Hội nghị
Đảm bảo đến tháng 12/2022 khởi công dự án
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị được giao thực hiện dự án) cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ đi Cà Mau gồm 2 dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, trải dài qua 5 tỉnh, thành với tổng chiều dài hơn 109 km.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 27.200 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang hơn 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau hơn 17.400 tỷ đồng.
Hiện nay các đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn thành công tác lập dự án đầu tư, trình Bộ GTVT phê duyệt trước ngày 31/5. Đồng thời tổ chức cắm cọc GPMB tại hiện trường để bàn giao cho các đơn vị thực hiện.
Kế hoạch bàn giao các đoạn tuyến còn lại là trước ngày 30/4 (khoảng 53 km) và hoàn thành bàn giao cho các địa phương trước ngày 30/6/2022.
Đơn vị thực hiện dự án cũng đã hoàn thành khảo sát hiện trường, đang tham vấn địa phương, dự kiến trình Bộ TN&MT thẩm định trước ngày 15/4.
Các tỉnh có dự án đi qua đều đã có chủ trương thành lập ban chỉ đạo và văn bản giao nhiệm vụ cho đơn vị đầu mối thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án.
Trong đó tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Cà Mau giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh thực hiện, TP Cần Thơ giao cho quận Cái Răng, tỉnh Kiên Giang giao cho huyện Vĩnh Thuận thực hiện.
Đây là cơ sở để các đơn vị phối hợp bàn giao- tiếp nhận hồ sơ và cọc mốc GPMB đợt 1 từ ngày 15/3 và triển khai các công việc tiếp theo.
Riêng việc tổng hợp nhu cầu sử dụng đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên bị ảnh hưởng dự án, ông Thi thông tin, các tỉnh đã giao Sở TN&MT thực hiện và hoàn thành trước 15/3. Tuy nhiên, đến nay Ban chưa nhận được văn bản của các tỉnh về nội dung này.
Qua đó, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị các tỉnh, thành và các Sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bồi thường GPMB, xác định cụ thể các mốc thời gian thực hiện, hoàn thành từng nội dung công việc làm cơ sở để các bên phối hợp thực hiện.
Trong đó, đảm bảo bàn giao được khoảng 70% mặt bằng trước khi khởi công dự án; Cung cấp kết quả tổng hợp nhu cầu sử dụng đất lúa 2 vụ trở lên bị ảnh hưởng bởi dự án trong ngày 15/3; Tổ chức đo đạc, lập bản đồ giải thửa ngay sau khi tiếp nhận cọc mốc GPMB ngoài hiện trường...
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị
Đề nghị xem xét ứng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã giao Sở GTVT là đầu mối phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị tư vấn, tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện có tuyến cao tốc đi qua, phối hợp tối đa để thực hiện tốt công tác GPMB, quản lý chặt khu vực đã được cắm mốc không để xảy ra tình trạng lấn chiếm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ GTVT bổ sung kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư, sớm trình Thủ tướng phê duyệt khung chính sách làm cơ sở cho địa phương triển khai chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án; Xem xét cho ứng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
“Tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án lập văn phòng đại diện để thuận tiện việc trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh, phân công cán bộ kịp thời giải quyết các vướng mắc”, ông Thanh kiến nghị.
Tại buổi làm việc, các địa phương khác cũng cho biết đã có bước chuẩn bị, đồng thời cùng phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, phối hợp giữa các địa phương để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.
Cần cơ chế phối hợp chặt chẽ
Lãnh đạo Bộ GTVT chứng kiến việc ký bàn giao hồ sơ mốc GPMB
giữa Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các địa phương.
Về vấn đề phối hợp giữa các địa phương và đơn vị thực hiện dự án, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng.
Đối với đoạn tuyến Cần Thơ- Cà Mau, Thứ trưởng cho rằng có nhiều thuận lợi như địa hình bằng phẳng, tránh các khu đô thị, dân cư, hạn chế tối đa GPMB. Tuy nhiên, như những dự án khác, khó khăn nhất vẫn là GPMB khu dân cư, kế đến là đảm bảo vật liệu cho dự án và xử lý khu vực đất yếu.
Về ý kiến của lãnh đạo Hậu Giang, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, đây cũng là ý kiến chung của các tỉnh trong công tác GPMB.
Đối với vấn đề bổ sung kinh phí cho khu tái định cư, Thứ trưởng cho biết, khi xây dựng tổng mức đầu tư đã có kinh phí xây dựng khu tái định cư.
Trên cơ sở mốc GPMB đã bàn giao cho các địa phương tổ chức thực hiện đo đạc kiểm đếm, trên cơ sở các hộ dân bị ảnh hưởng, xác định nhu cầu tái định cư, tùy theo tình hình cụ thể sẽ có phương thức đền bù và phương án phù hợp.