Dồn lực ngày đêm rút ngắn tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Ngày 22/03/2022
Hàng loạt gói thầu trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam đang được nhà thầu lập lại kế hoạch, bổ sung nguồn lực thiết bị để rút ngắn tiến độ.

Tăng nhân lực, thiết bị, thi công xuyên đêm

Trung tuần tháng 3/2022, thời tiết nắng ráo, công trường hầm Trường Vinh thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cũng nhộn nhịp trở lại sau chuỗi ngày hoạt động cầm chừng do mưa kéo dài.

Tốc độ thi công càng thêm hối hả khi hầm Trường Vinh là hạng mục quan trọng nằm trong gói thầu được Ban điều hành dự án đăng ký rút ngắn thời gian về đích 3 tháng.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu

Đảm nhận thi công 281m hầm, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó giám đốc Ban điều hành thuộc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, theo kế hoạch ban đầu, tới ngày 30/4/2022, Đèo Cả sẽ hoàn thành công tác đào hầm nhánh phải. Tuy nhiên, để rút ngắn tiến độ, đến ngày 30/4, nhà thầu đã quyết tâm hoàn thành đào cả hai nhánh hầm.

“Để đạt được mục tiêu này, Đèo Cả đã bổ sung thêm một mũi thi công hạ nền song song với mũi đào hầm phía trên. Số nhân sự phục vụ thi công huy động từ 100 người lên 120 người duy trì 3 ca liên tục trong ngày”, ông Thành nói và cho biết, hiện tại, nhánh hầm trái, Đèo Cả đã đào được hơn 145m/281m, nhánh hầm phải đào được hơn 155m/281m.

Theo đại diện Ban điều hành dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án đã được đăng ký rút ngắn tiến độ 3 tháng đối với 25km không phải xử lý nền đất yếu thuộc gói thầu số 1 và số 2.

“Tính đến nay, sản lượng thi công tại hai gói thầu đã đạt khoảng hơn 20% giá trị hợp đồng, vượt khoảng 3% so với kế hoạch.

Tại hai gói thầu XL01 và XL02, các nhà thầu đã huy động tổng cộng hơn 200 thiết bị thi công các loại với 32 mũi thi công, tăng khoảng 60 thiết bị và 12 mũi thi công so với thời điểm trước Tết”, vị này thông tin, đồng thời cho biết, riêng hạng mục hầm Trường Vinh là đường găng tiến độ của gói thầu.

Hai nhà thầu Đèo Cả và Tập đoàn Sơn Hải đã đặt mục tiêu đục thông hai hầm chiều dài 450m/hầm trong khoảng thời gian từ ngày 15 - 30/4/2022 để sớm tiến tới các phần việc tiếp theo.

Đăng ký rút ngắn tiến độ 3 tháng với 41,3 km/63,4 km không phải xử lý nền đất yếu, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45 (thuộc Ban QLDA Thăng Long) cho biết, các nhà thầu cũng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca thi công ngày/đêm các mũi: Nền, hầm, cầu.

Riêng đối với 3,7km nền đường thuộc gói thầu số 10 đang thiếu khoảng 700.000m3 vật liệu đất đắp, trong thời gian chờ địa phương cấp phép mở rộng mỏ Đồi Giàng, Ban điều hành dự án đã chỉ đạo nhà thầu chủ động huy động được 50.000 - 60.000m3 đất từ các mỏ xung quanh khu vực tuyến cao tốc để bù đắp lượng thiếu hụt, không để việc thi công bị gián đoạn.

“Theo kế hoạch, ngay khi địa phương cấp phép mở rộng mỏ, nhà thầu Xuân Trường sẽ tiếp tục bổ sung một mũi thi công đất với 10 đầu máy, 15 công nhân để tăng tốc thi công, đảm bảo đưa gói thầu (không phải xử lý nền đất yếu) về đích trước 3 tháng”, ông Long thông tin.

Dự án thành phần PPP đồng loạt bứt tốc

Cùng với tinh thần quyết tâm tại các dự án thành phần đầu tư công, trên công trường các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), doanh nghiệp dự án cũng đã lập lại phương án thi công, hoàn thành dự án vượt kế hoạch.

Ông Đặng Tiến Thắng, Phó giám đốc điều hành dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) cho biết, theo hợp đồng BOT và tiến độ thi công tổng thể của dự án được Bộ GTVT chấp thuận, thời gian hoàn thành của dự án là tháng 3/2024. Riêng hạng mục hầm Núi Vung là điểm mấu chốt quyết định tiến độ dự án có thời gian thi công 30 tháng.

Sau khi rà soát, áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, tăng cường máy móc thiết bị (mua mới 4 máy đào hầm công suất lớn), tổ chức thi công thử nghiệm, thời gian thi công hầm Núi Vung dự kiến được rút từ 30 tháng xuống còn 27 tháng.

“Thời gian cán đích của dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến sẽ được rút ngắn từ tháng 3/2024 về tháng 12/2023 trong trường hợp hầm Núi Vung rút ngắn tiến độ và nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giải ngân kịp thời với tiến độ thi công hiện trường, các vướng mắc về mặt bằng được xử lý dứt điểm”, ông Thắng nói và cho biết, hiện tại, để phục vụ thi công dự án, nhà đầu tư đã huy động hơn 1.000 cán bộ công nhân viên, 400 máy móc thiết bị với 40 mũi thi công.

Cùng đăng ký rút ngắn tiến độ 3 tháng, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm cũng đã khởi động một phương án thi công mới.

“Hiện tại, sản lượng thực hiện tại dự án Nha Trang - Cam Lâm đã đạt 17,5% giá trị hợp đồng. Để việc thi công có sự đột phá, điều chỉnh thời gian về đích từ tháng 9/2023 về tháng 6/2023, Ban QLDA cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tổ chức thi công 3 ca liên tục, tăng mũi thi công lên 5 lần, từ 11 mũi lên 51 mũi gồm: 22 mũi thi công gói thầu XL1, 23 mũi thi công gói thầu XL2 và 6 mũi thi công gói thầu XL3”, ông Lê Thanh Bình, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thông tin.

Tiếp tục nghiên cứu rút ngắn tiến độ các gói thầu

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở đăng ký rút ngắn tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Cục đã tham mưu Bộ GTVT yêu cầu các Ban QLDA, doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát cập nhật, điều chỉnh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân, cam kết tiến độ hoàn thành trước ngày 31/3/2022 để làm cơ sở theo dõi, đánh giá từ tháng 4/2022.

Đặc biệt, nhằm nâng cao trách nhiệm nhà thầu trong việc đưa dự án cao tốc Bắc - Nam sớm được hoàn thành, Cục đã đề nghị các Ban QLDA nghiên cứu giải pháp tiếp tục rút ngắn tiến độ tại nhiều gói thầu khác.

Đối với đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Ban QLDA tiếp tục rà soát, chỉ đạo nhà thầu điều chỉnh giải pháp thi công, phấn đấu rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng đối với các đoạn tuyến không thuộc khu vực xử lý nền đất yếu tại hai gói thầu XL3 và XL4.

“Tại dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, doanh nghiệp dự án báo cáo không thể rút ngắn tiến độ. Song, theo đánh giá, việc rút ngắn tiến độ vẫn có thể thực hiện được với khoảng 20,7km đoạn tuyến không thuộc khu vực xử lý nền đất yếu, các công trình có công nghệ thi công đơn giản.

Trên cơ sở đó, Cục đã yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án và Ban QLDA tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng phương án thi công rút ngắn tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT cho hay.

Theo Cục QLXD&CLCTGT, trong 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai, tính đến nay có 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo đăng ký rút ngắn tiến độ 3 tháng toàn bộ dự án.

Ba dự án đăng ký rút ngắn tiến độ một số đoạn không phải xử lý nền đất yếu gồm: Mai Sơn - QL45 rút 3 tháng với 41,3km/63,4km; QL45 - Nghi Sơn rút ngắn 3 tháng với 29,7km/43,3km và rút 1 tháng đối với 6,8km/43,3km; Nghi Sơn - Diễn Châu rút ngắn 3 tháng với 25km/50km.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn sau khi điều chỉnh thiết kế sẽ rút ngắn tiến độ 1 tháng hai gói thầu XL7 và XL8, hoàn thành vào tháng 9/2022.

Nguồn: Báo Giao thông