Nở rộ công nghệ số GTVT trong đại dịch

Ngày 23/03/2022
Ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số đang là xu thế trong công tác quản lý, điều hành hoạt động GTVT nói riêng và nền kinh tế - xã hội đất nước nói chung. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát và lan rộng, nhiều ứng dụng, công nghệ ra đời nhằm ứng phó với dịch bệnh, giúp liên kết chuỗi kinh tế hàng hóa, góp phần vào công cuộc chống dịch còn nhiều gian nan, vất vả.

anh cong nghe

Công nghệ BA GPS nhận diện người đeo khẩu trang và người không đeo, sau đó gửi thông báo về đơn vị vận tải. Ảnh: VOV

Sức mạnh của công nghệ

Cách mạng công nghiệp 4.0 là những thành tựu công nghệ mới được ứng dụng vào các quy trình quản lý sản xuất, từ đó tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế được tăng lên rõ nét.

Theo đánh giá của ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT), ngành GTVT nước ta hiện nay có đầy đủ các biểu hiện của cả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3 và thứ 4 như: bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối Internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in tàu, máy bay, thu phí tự động...); xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền tảng Internet như taxi Uber, Grab...; cung cấp các dịch vụ công qua việc cấp đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới... Mỗi cây cầu, con đường... đều có thể được giám sát, theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch từ khâu thiết kế đến thi công cho đến khi vận hành, bảo trì là không quá xa vời với ngành GTVT. Cùng với các dịch vụ công thông minh, hệ thống quản lý tự động toàn diện, đảm bảo an toàn, thông suốt đã thật sự thay đổi ngành GTVT.

Trên thực tế, việc “giao tiếp không chạm” đang được các doanh nghiệp vận tải đường bộ ứng dụng trong kết nối, tương tác với khách hàng. Đây cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi nhằm thích ứng với đại dịch. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trước đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý dữ liệu hành khách, quản lý giao dịch, thanh toán, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng nên các doanh nghiệp càng đẩy mạnh hơn áp dụng công nghệ đối với phương thức bán vé, điều hành vận tải cũng như gia tăng giao dịch của các hãng vận tải.

Với việc đặt vé online (qua App hoặc website) của các hãng vận tải đường bộ, lượng khách mua vé đã tăng đáng kể. Các ứng dụng này hỗ trợ rất hiệu quả cho các doanh nghiệp trong các giao dịch bán vé, thanh toán online, chuyển phát hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí... Hành khách chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính là có thể lên mạng đặt vé. Hành khách được tự chọn chỗ, ngày, giờ đi... và thanh toán trực tuyến. Cách làm này sẽ là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong không gian kín của xe, tháng 6/2021, Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh (BA GPS) đã công bố ứng dụng thành công công nghệ AI để phát hiện người không đeo khẩu trang trên xe. Theo đó, hệ thống phân tích này được kết nối với camera trên xe để lấy dữ liệu hình ảnh, sau đó công nghệ AI sẽ tự động phân tích và gửi thông báo về đơn vị vận tải mỗi khi phát hiện có người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Hệ thống đánh dấu ô xanh những khuôn mặt đeo khẩu trang và ô đỏ những khuôn mặt không đeo khẩu trang. Sau gần 1 tháng công bố, đã có 23 doanh nghiệp với hơn 500 đầu xe đăng ký sử dụng tính năng này. Không chỉ cảnh báo về cho chủ doanh nghiệp, vừa qua, BA GPS còn bổ sung tính năng cảnh báo trực tiếp đến lái xe, phụ xe để giảm nhân lực, nguồn lực. Lái xe, phụ xe chỉ cần cài đặt ứng dụng “BA GPS” trên điện thoại, đăng nhập vào tài khoản được cung cấp sẽ được nhận các cảnh báo này để kịp thời nhắc nhở hành khách.

Kể từ 18h00 ngày 24/9/2021, Yên Bái đã triển khai áp dụng thử nghiệm phần mềm kê khai thông tin đối với người trên xe ô tô (lái xe và người đi cùng xe ô tô) vận tải hàng hóa do Cục C06 - Bộ Công an vận hành tại địa chỉ https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Nếu trên xe có từ 2 lái xe trở lên thì 1 người lái xe sẽ đại diện để quét mã QR Code của các lái xe còn lại và sử dụng mã QR Code của người lái xe đại diện đó dán lên xe các lái xe còn lại khai báo như công dân bình thường. Khi người đại diện khai báo cho người đi cùng xe bằng cách quét mã QR Code của người đi cùng thì khi cán bộ tại chốt kiểm soát quét mã QR Code của người đại diện sẽ hiển thị cả thông tin của tất cả người đi cùng xe, đảm bảo việc kiểm soát di chuyển được chính xác, hiệu quả, hạn chế ùn tắc, giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc làm lây lan dịch bệnh.

Không nằm ngoài xu thế đó, ngày 19/8, Gojek - nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á đã công bố ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ GoCar tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là dịch vụ được sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, gồm Sở GTVT và Sở Y tế. Cụ thể, GoCar dành riêng phục vụ đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế đi và đến ba Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế; Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC). Danh sách hệ thống bệnh viện, đơn vị phục vụ có thể mở rộng thêm theo hướng dẫn và chỉ định của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.

Cần có sự đồng bộ và phát triển bền vững

Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, mặc dù doanh nghiệp vận tải quan tâm ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số đã gia tăng nhưng sự gia tăng này còn hạn chế bởi đa phần doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn. Đại dịch Covid-19 đang gây áp lực lớn lên các dịch vụ vận tải, nhất là với vận tải hành khách khi doanh thu gần đây giảm khoảng 80%.

Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho hay, doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam đa phần quy mô vừa và nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các hoạt động vận tải theo phương thức truyền thống bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Chỉ có một số ít doanh nghiệp vận tải lớn chuyển đổi số hiệu quả, còn lại đa phần chưa phát triển được các nền tảng số kết nối giữa các chủ xe, chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng.

Cũng theo ông Tùng, thời gian qua, ngành GTVT đã tập trung xây dựng và hoàn thiện 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung, gồm: cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở dữ liệu phương tiện, cơ sở dữ liệu người điều khiển phương tiện và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT, từ đó phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện văn bản QPPL, cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong Ngành. Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở và xây dựng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải, logistics dưới hình thức giao dịch điện tử.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển hơn nữa chuyển đổi số trong Ngành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin chuẩn bị kế hoạch cụ thể, mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT nghiên cứu cần ưu tiên chuyển đổi số những vấn đề nào, dự án nào để xây dựng kế hoạch trung hạn.

“Ngành GTVT luôn sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước có giải pháp phần mềm phát triển cũng như thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng chuyển đổi số của Ngành. Ngành GTVT cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ về thể chế, luật, nghị định, thông tư phục vụ chuyển đổi số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: Tapj chí GTVT