Từ hôm nay, áp mức thu giá mới với ô tô ra vào sân bay

Ngày 01/04/2022
Từ hôm nay (1/4), việc thu giá với ô tô được tính theo thời gian ra vào sân bay áp dụng cho block 10 phút đầu tiên...

 Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng có mức thu cao nhất

TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có quyết định về mức thu giá đối với ô tô ra vào sân bay trên toàn hệ thống cảng do đơn vị này quản lý khai thác.

Việc thu phí sẽ có sự khác biệt giữa các nhóm cảng hàng không về khai thác tần suất cao và có hệ thống kiểm soát xe ra, vào sân đậu, bãi đậu ô tô.

Trạm thu phí tại Cảng HKQT Nội Bài

Cụ thể, đối với các cảng hàng không khai thác tần suất cao và có hệ thống kiểm soát xe ra, vào sân đậu, bãi đậu ô tô, gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, mức giá áp dụng tương đối thấp, chỉ 10.000 đồng/lượt/xe cho 10 phút đầu tiên đối với xe ô tô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn (giảm 5 nghìn đồng so với trước đây); 15.000 đồng/lượt/xe cho xe từ 10 - 29 chỗ, xe tải đến 7 tấn và cao nhất là 25.000 đồng/lượt/xe cho 10 phút đầu tiên đối với xe ô tô từ 30 chỗ trở lên, xe tải hơn 7 tấn.

Các xe ô tô ra, vào quá 10 phút sẽ áp dụng mức giá sử dụng dịch vụ sân đậu ô tô như hiện nay đang áp dụng, đã được đăng ký với UBND tỉnh, thành phố.

Đối với 18 cảng hàng không còn lại, mức giá thấp nhất áp dụng với xe đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn là 5.000 đồng/lượt/xe cho 10 phút đầu tiên; 5.000 đồng/lượt/xe cho 50 phút tiếp theo và thêm 5.000 đồng/lượt/xe cho mỗi 2 giờ tiếp theo.

Mức cao nhất là 25.000 đồng/lượt/xe đối với xe ô tô từ 30 chỗ trở lên, xe tải lớn hơn 7 tấn trong 10 phút đầu tiên; 10.000 đồng/lượt/xe cho 50 phút tiếp theo và thêm 10.000 đồng/lượt/xe cho mỗi 2 giờ tiếp theo.

Ngoài các xe ra vào không thường xuyên, ACV cũng đề xuất phương án giá ưu đãi cho các xe ô tô sử dụng dịch vụ dừng, đỗ để đón, trả hành khách tại các cảng hàng không thường xuyên; danh mục các loại xe ưu tiên không thu tiền sử dụng dịch vụ dừng, đỗ để đón, trả hành khách tại các cảng hàng không.

Theo lãnh đạo ACV, mức giá đề xuất của ACV đang thấp hơn của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang áp dụng khoảng 30% cho block 60 phút đầu tiên, đồng thời cũng thấp hơn giá dịch vụ trông giữ xe tại các địa phương.

Cũng theo ACV, nguồn thu từ hoạt động khai thác đường dẫn, sân đỗ ô tô tại các cảng dù đủ bù đắp chi phí khai thác thường xuyên nhưng vẫn còn thiếu để tái đầu tư, nâng cấp mở rộng hạ tầng đường dẫn, sân đỗ tại các cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2025.

Được biết, nhu cầu vốn đầu tư đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không và sân đỗ ô tô tại 18 cảng hàng không (không bao gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng đã thực hiện thu giá dịch vụ sân đỗ riêng) là 5.575 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tự quyết mức thu

Trước đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Thông tư số 36/2015 về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, Thông tư số 07/2017 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2015, giá dịch vụ dừng, đỗ xe ô tô để đón, trả hành khách tại các cảng hàng không không thuộc danh mục do Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá.

Dịch vụ dừng, đỗ xe ô tô để đón, trả hành khách tại các cảng hàng không là dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không do doanh nghiệp tự định mức giá theo quy định tại Khoản 8, Điều 11, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Doanh nghiệp cảng hàng không tổ chức thu giá, chịu trách nhiệm xây dựng phương án giá, quyết định mức giá, thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính địa phương, niêm yết giá theo quy định.

Liên quan vấn đề này, Phó tổng giám đốc ACV Trần Anh Vũ cho biết, theo quy định, ACV là doanh nghiệp cảng hàng không chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, duy trì tiêu chuẩn khai thác. ACV cũng tổ chức phân luồng tuyến, bảo đảm an ninh hàng không và giữ gìn ANTT bằng chi phí của doanh nghiệp đối với đường dẫn vào nhà ga của cảng hàng không, sân bay.

“Theo quy định tại Khoản 2, Điều 166, Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền của người sử dụng đất, người sử dụng đất có quyền “hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. Do đó, việc ACV tổ chức thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga nhằm bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng mà không phụ thuộc vào việc đất đó thuộc loại đất có mục đích kinh doanh hay không là phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013”, ông Vũ thông tin.

Nguồn: Báo Giao thông