Điện Biên: Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy

Ngày 04/04/2022
Hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 1 tuyến chính trên sông Đà với chiều dài 175km. Hoạt động vận tải đường thủy nội địa vẫn mang tính tự phát, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại làm nương và đánh bắt thủy sản của người dân sống dọc hai bên bờ sông. Chủ phương tiện phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số chưa ý thức được trách nhiệm trong việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý, điều khiển phương tiện thủy nội địa. Chính vì vậy, nhiều giải pháp được các lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Điện Biên phối hợp với Tỉnh đoàn trao tặng áo phao cứu sinh cho

học sinh sống dọc hai bờ sông tham gia giao thông đường thủy nội địa. Ảnh: C.T.V

Các cấp chính quyền, đoàn thể đã đẩy mạnh đổi mới hình thức, nội dung và đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tới các đơn vị, địa phương, chủ phương tiện, người dân sinh sống dọc hai bên đường thủy bằng nhiều hình thức. Như phát tài liệu, tờ rơi, áp phích; cấp áo phao cứu sinh cho các chủ phương tiện đường thủy nội địa…; đồng thời ký cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Năm 2021, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Điện Biên đã tích cực phối hợp với ban An toàn giao thông huyện Tủa Chùa, huyện Mường Chà và Tỉnh đoàn tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa lưu hành trên các tuyến sông, hồ làm nghề chở đò ngang, những người làm nghề chài lưới đánh bắt cá, thường xuyên hoạt động trên các tuyến sông, hồ; những người làm nghề đóng đáy, vó bè, nuôi cá lồng trên sông, hồ. Cấp phát 600 bộ tài liệu tuyên truyền về hành lang an toàn giao thông đường thủy, Nghị định xử phạt về giao thông đường thủy và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị nạn do đuối nước; cấp phát 3.500 tờ rơi, 300 bộ tài liệu và 100 áo phao cho trẻ em, người dân tại xã Huổi Só, Sín Chải, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) và bến thủy sông Đà, phường Sông Đà và phường Na Lay (TX. Mường Lay)…

Thực hiện quy định của Bộ Giao thông vận tải về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; quy định về miễn lệ phí trước bạ cho chủ phương tiện khi đăng ký để giảm chi phí cho chủ phương tiện (đối với các phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ có tổng công suất máy chính đến 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người được miễn lệ phí trước bạ); Sở Giao thông vận tải Điện Biên phối hợp với UBND cấp huyện, xã thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện cho các tổ chức, cá nhân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn góp phần khuyến khích người dân đầu tư phương tiện thủy nội địa.

Đến nay đã thực hiện đăng ký 182 phương tiện thủy nội địa. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức đào tạo, sát hạch cho các thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa có nhu cầu (đã cấp chứng chỉ cho 236 thuyền viên). Cũng trong năm vừa qua các lực lượng chức năng đã kiểm tra 173 lượt phương tiện thủy; nhắc nhở, tổ chức ký cam kết 104 trường hợp chủ phương tiện thủy chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa...

Hiện nay, công tác tuần tra, kiểm tra xử lý các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do mạng lưới giao thông đường thủy nội địa nằm rải rác trên địa bàn các huyện, chủ yếu là phương tiện thô sơ có gắn động cơ (máy ngoài). Trong khi đó trang, thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát còn thiếu; lực lượng thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, kiểm tra ngoài thực địa mỏng nên công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn nhiều hạn chế, chưa triệt để.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa có cơ sở đào tạo dạy nghề cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên người lái phương tiện thủy nội địa nên công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ còn nhiều khó khăn. Việc sửa chữa, khắc phục các phương tiện thủy nội địa để phục vụ việc đăng ký, đăng kiểm của các chủ phương tiện chưa được tiến hành, gây khó khăn cho công tác đăng kiểm và đăng ký…

Chính vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quy tắc giao thông đường thủy nội địa; các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền về việc điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn, không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện và không chở quá tải trọng theo quy định… để chủ phương tiện chấp hành nghiêm, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Nguồn: Báo Điện Biên