Cuộc gặp của những người một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Ngày 15/07/2010
Ngày 10/7/2010 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành GTVT và 60 năm ngày truyền thống TNXP Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, Bộ GTVT đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu của 400 đại biểu đại diện cho lực lượng TNXP toàn ngành GTVT. Đây thực sự là cuộc “Hội ngộ xúc động, ân tình” của những cựu thanh niên xung phong, đại diện cho thế hệ thanh niên “3 sẵn sàng”, “5 xung phong” một thời “chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm, nhưng âm hưởng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh hùng của dân tộc ta vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau. Trong chiến công chung của toàn dân ta, thanh niên xung phong, công nhân lao động ngành GTVT chúng ta đã góp phần không nhỏ vào bản anh hùng ca bất tử đó. Tổ quốc ta, nhân dân ta không bao giờ quê sự hy sinh vô bờ bến không tiếc tuổi xanh vì độc lập tự do của Tổ quốc của CNVCLĐ, thanh niên xung phong ngành GTVT. Nếu chúng ta có dịp trở lại chiến trường xưa: Đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin trên đường lên chiến trường Điện Biên Phủ, tại ngã ba Cò Nòi (Sơn La) sẽ thấy tượng đại tưởng niệm và ghi danh các liệt sỹ TNXP chống Pháp. Đi vào phía Nam, trên đường ra trận, “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chúng ta sẽ lại có dịp thắp những nén hương lên tượng đài, tưởng nhớ 10 nữ liệt sỹ TNXP hy sinh oanh liệt ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), ở Truông Bồn (Nghệ An), phà Xuân Sơn, cầu Long Đại (Quảng Bình), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) v.v... ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất Việt, mồ hôi nước mắt cùng xương máu của thanh niên xung phong GTVT đã hòa quyện vào đất Mẹ. Thanh niên xung phong GTVT rất xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Ngày 10/7/2010 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành GTVT và 60 năm ngày truyền thống TNXP Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, Bộ GTVT đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu của 400 đại biểu đại diện cho lực lượng TNXP toàn ngành GTVT. Đây thực sự là cuộc “Hội ngộ xúc động, ân tình” của những cựu thanh niên xung phong, đại diện cho thế hệ thanh niên “3 sẵn sàng”, “5 xung phong” một thời “chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Khi những thước phim tư liệu được chiếu lên xen lẫn những bài ca truyền thống ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi ngành GTVT cất lên, hàng trăm con người trong hội trường chăm chú lặng yên theo dõi lại hình ảnh của chính mình, những người trong cuộc, dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù vẫn hiên ngang phá đá nổ mìn mở dường cho xe ta ra tiền tuyến. Tôi thấy trên khuôn mặt của đồng chí Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, của đồng chí Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam đến các đồng chí Lê Ngọc Hoàn, nguyên là Bộ trưởng Bộ GTVT cựu TNXP, đồng chí Phạm Duy Anh, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cựu TNXP... đồng chí Tạ Đăng Mạnh, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, các Cục, Vụ, Viện, Tổng công ty, các cựu TNXP: Ban Xây dựng 67, 64, Miền Tây, Cục Công trình I, Đường sắt Việt Nam, Đường sông v.v... đều ánh lên niềm tự hào và xúc động, nhiều anh chị lấy khăn tay lau nước mắt xúc động nghẹn ngào khi thấy hội trường hôm nay thiếu vắng hàng ngàn đồng chí, đồng đội đã hy sinh hiện nằm lại trên các tuyến đường, cho những cây cầu, cho mạch máu giao thông thông suốt, họ không còn được hưởng niềm vui độc lập.
Trong bài phát biểu quan trọng đọc tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã nêu bật thành tích to lớn của CNVCLĐ ngành GTVT và lực lượng TNXP nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành GTVT Việt Nam; Bộ trưởng đã bày tỏ tấm lòng trân trọng, tri ân tới các thế hệ anh hùng, liệt sỹ thương binh TNXP ngành GTVT qua các thời kỳ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Nhân dịp này, đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT và đồng chí Thân Đức Nam – Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cienco5 đã tặng 20 căn nhà tình nghĩa cho 20 thanh niên xung phong ngành GTVT có nhiều khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Kim Củng, nguyên là Đại đội phó C751 - Đội 75 (Ban Xây dựng 67) quê ở Quảng Bình nghẹn ngào tâm sự: Chị tham gia TNXP từ tháng 5/1965 cho đến ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975. Sau hơn 35 năm chị mới có vinh dự được tham gia cuộc gặp trọng thể này, mới có cơ hội được gặp lại một số đồng đội từng chung chiến hào đánh Mỹ. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời, khiến chị nhớ mãi, đó là trận oanh tạc của máy bay Mỹ hôm 30/7/1970 vào đúng đội hình đơn vị đang mở đường 16 (đường Thống Nhất), bom Mỹ đã cướp đi 30 nam nữ TNXP tuổi 18 – 20. Sau khi chôn cất các liệt sỹ, thì 5 ngày sau máy bay Mỹ quay trở lại, bom rơi trúng các phần mộ các liệt sỹ, chị đã cùng đồng đội tiếp tục đào bới, tìm kiếm dưới trời mưa tầm tã để chôn cất lại các phần mộ của đồng đội. Chị nói rằng: Bom Mỹ xâm lược tàn bạo và dã man muốn đè bẹp ý chí của TNXP giao thông vận tải chúng ta, xong chúng ta đã lầm, việc làm hèn hạ ấy chỉ càng tăng thêm ý chí căm thù đánh giặc của các chị các anh, như lời Bác Hồ đã dạy: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Chị Củng và đồng đội của mình đã hành động như vậy, bất chấp bom đạn của kẻ thù để cho hôm nay non sông liền một dải.
Tôi đã gặp chị Đinh Thị Thu Hiệp, nữ anh hùng tiêu biểu của TNXP giao thông vận tải, người đã được đồng đội phong cho danh hiệu “Cọc tiêu sống trên đèo Đá Đẽo” (Quảng Bình). Năm 1967, không quân Mỹ mở chiến dịch không kích “97 ngày đêm” hòng xóa trắng đèo Đá Đẽo. Với sức vóc nhỏ nhắn trên 40 kg, chị được giao chốt giữ ở cua 516+300 phía tây đèo. Chị nhớ mãi lần ấy: các đoàn xe của ta vào chiến trường bị dồn ứ vì bom nổ chậm, trước sự cần kíp của tiền tuyến, chị đã tự biến mình thành “cọc tiêu sống” đứng bên bãi bom nổ chậm chỉ huy đoàn xe vượt qua an toàn. Do sức ép của bom, hiện chị bị điếc một bên tai, chồng mất sớm, một nách nuôi 4 con nhỏ trưởng thành, hiện chị đang sống ở Xuân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình. Ghi nhận hành động anh hùng của chị. Năm 1972, chị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Bên tiền sảnh chính của nhà hát Trưng Vương, những đồng đội của chị từ Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình... sau 35 năm xa cách nay có dịp gặp mặt, lòng nghẹn ngào không nói nên lời, họ ôm nhau mà khóc, những giọt nước mắt của những người một thời đạn bom trở về từ “cõi chết”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật – một nhân chứng sống của Trường Sơn đã viết:
“... Ơi cô gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi
Em là cô thanh niên xung phong”
Trong cuộc gặp mặt hôm nay còn có hàng trăm đồng chí có những hành động chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp GTVT. Trên mình các anh, các chị còn mang thương tích bom đạn, chất độc da cam do kẻ thù gây ra. Có nhiều chị cả cuộc dời cống hiến cho tuyến đường Trường Sơn, nay đã qua đi thời xuân sắc không được quyền làm vợ, làm mẹ, nỗi đau ấy, xin ngàn lần chia sẻ với các chị. Nhiều chị, nhiều anh hôm nay còn chịu thiệt thòi; bị thương chưa được công nhận là thương binh, là TNXP do thất lạc giấy tờ nên chưa được hưởng chế độ đãi ngộ... vậy mà họvẫn yêu đời, trong hội trường vẫn cất cao vỗ tay hòa nhịp “Tiếng hát át tiếng bom” như thuở nào cắm chốt vững vàng trên đỉnh Trường Sơn.
Tôi đã gặp bác Lê Ngọc Hán, quê ở Duy Tiên, Nam Hà, nguyên là “C trưởng” Đội 255, Tổng đội TNXP 572 (Ban Xây dựng 64 – Tổng công ty XDCT Giao thông 8 ngày nay). Bác đã cùng đồng đội tình nguyện gia nhập TNXP sang giúp cách mạng Lào. Trên ngực lấp lánh tấm Huân chương Itxala hạng Nhất do Chính phủ Lào trao tặng. Là lực lượng TNXP thứ 3 – lực lượng đặc biệt đi làm nhiệm vụ quốc tế, bác kể lại: Trước lúc lên đường, sợ bác gái ở nhà đang có thai sắp sinh con đầu lòng, bác phải trốn đi tập trung từ 2 giờ sáng, khi đến biên giới Việt Lào, toàn bộ quân tư trang của Việt Nam trang bị được để lại, thay bằng quần áo như bộ đội Lào, mỗi người một xe cút kít, một xẻng xúc... Cứ thế, cứ thế, các Bác đã có mặt ở các chiến trường Xiêng Khoảng, Phu Ly Khăm Xay, Đường 6, Đường 7, Đường 8 (Lào) giúp bạn cho đến ngày cách mạng Lào toàn thắng; Kẻ thù nguy hiểm nhất mà Tổng đội TNXP 572 phải đối mặt là: Bệnh sốt rét, sốt nóng, “Ruồi vàng, bọ chó, gió tây”, phỉ, biệt kích rình dập... nếu có chiến công, lúc ấy do yêu cầu giữ bí mật cũng không được phép tuyên truyền. Trong cuộc chiến đấu anh dũng của TNXP GTVT ngày ấy có một lực lượng lớn, quân số lên tới hàng vạn người, dưới phiên hiệu Ban Xây dựng miền Tây, họ đã có mặt ở hầu hết các nhà ga, sân bay quân sự cửa khẩu hữu nghị Việt – Trung, ở các tuyến đường sắt, Kép – Bài Cháy, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai, quốc lộ 6 đi Điện Biên thông sang biên giới Việt Lào. Bom đạn Mỹ điên cuồng thả xuống các trọng điểm hòng hủy diệt sức sống và ý chí của nhân dâ ta, cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Bác Phạm Văn Thuân, nguyên A trưởng TNXP công trình 115, hết chiến tranh chuyển sang công tác ở Nhà máy đóng tàu Hạ Long (là Bí thư Đảng ủy cho đến lúc nghỉ hưu). Cả 2 anh chị đều là cựu TNXP, họ gặp nhau trên công trường, cùng tham gia san lấp hố bom, cùng nổ mìn phá đá mở đường mới. Tình yêu, hạnh phúc đã đến với anh chị. Ít người biết anh là con một trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha bị giặc Pháp bắn chết lúc anh mới 3 tuổi, phải rất nhiều lần tự nguyện viết đơn gia nhập TNXP giao thông vận tải, nguyện vọng của anh được đáp ứng. Con người bình dị ấy trước ống kính của máy quay đã nói lên lòng tự hào của mình khi được là cựu chiến sỹ thanh niên xung phong. Những người ấy, ngày ấy tình nguyện ra chiến trường biết trước cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ, các anh, các chị không tiếc tuổi xanh sẵn sàng chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” là động cơ, là lý tưởng của TNXP GTVT. Còn nhiều lắm những tấm gương anh hùng của hàng ngàn liệt sỹ, chiến sỹ TNXP, chưa có giấy bút nào ghi hết, kể hết được: Đó là anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, anh hùng Nguyên Tri Ân, dũng sỹ đếm bom La Thị Tám, 10 cô gái anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc, 13 cô gái hy sinh ở Truông Bồn (Nghệ An), 13 liệt sỹ TNXP hy sinh ở núi Nhồi (Thanh Hóa), 60 nam nữ TNXP hy sinh ở ga Lưu Xá (Thái Nguyên) v.v... Chiến công và tên tuổi của các anh, các chị sẽ thành bất tử.
Tiếp nối các thế hệ TNXP GTVT anh hùng, đồng chí Thân Đức Nam – Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty XDCT Giao thông 5 (tiền thân của Ban Xây dựng 67 anh hùng) đã xúc động nói lên lòng biết ơn đối với các thế hệ TNXP anh hùng chống Pháp, chống Mỹ. Trên mặt trận xây dựng kinh tế hôm nay, anh đang cùng các đồng chí, đồng đội tiếp tục lãnh đạo Cienco5 vượt qua khó khăn thách thức, phát huy thương hiệu Ban Xây dựng 67 anh hùng, cùng tập thể cán bộ, CNVCLĐ đưa con tàu Cienco5 hôm nay tiếp tục tiến lên phía trước. Xúc động nghẹn ngào, cháu Đỗ Thị Thu Thủy, con liệt sỹ, có mẹ là TNXP ở Cục Công trình 1, nay là Tổng công ty XDCT Giao thông 4), thay mặt thế hệ trẻ đã hứa với các đồng chí lãnh đạo Bộ, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam, với các cô bác là thế hệ đi trước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay, cháu sẽ cùng các bạn nêu cao tấm gương sáng của cha anh, nguyện học tập, cống hiến nhiều hơn cho ngành GTVT. Trong tâm sự của mình, cháu đã ý thức được rằng: Công tác ở ngành GTVT là khó khăn, là vất vả, lưu động, nay đây mai đó, nhưng thế hệ các bác, các chú ngày ấy làm được dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù mà vẫn đứng vững, giữ cho mạch máu giao thông thông suốt. Vì vậy cháu đã quyết tâm theo nghề giao thông. Đồng chí Nguyễn Anh Liên – Chủ tịch Hội TNXP Việt Nam trong bài phát biểu đã đánh giá cao công lao, cống hiến của hơn 20 vạn cựu TNXP GTVT. Đồng chí nói trong 2 cuộc kháng chiến, nếu không có TNXP GTVT thì bộ đội sẽ gặp khó khăn. TNXP đã đem “tinh thần xung phong” của thanh niên Việt Nam trên các chiến trường, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Đồng chí nhắc lại lời khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ”./.
Đoàn Văn Bửu
Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT