Kế hoạch hành động của Bộ GTVT thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 20/04/2022
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 515/QĐ-BGTVT ngày 19/5/2022 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ GTVT thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mục đích chung của toàn ngành giao thông là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, kết nối với hệ thống đường địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; Phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông của các địa phương (đường tỉnh, huyện, xã, thôn, bản, nội đồng…), bảo đảm kết nối các vùng sản xuất với các tuyến quốc lộ, cao tốc; kết nối không gian phát triển giữa các vùng, khu vực, địa phương để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị; Tăng cường nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị ngành GTVT trong việc huy động, sử dụng nguồn lực của nhà nước và xã hội để thực hiện lồng ghép với các đề án, chương trình thuộc Chiến lược, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030 “cả nước có ít nhất 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Quán triệt và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ngành GTVT triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Để thực hiện Chiến lược, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và địa phương trong việc kết hợp thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành với mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái; Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; huy động, sử dụng nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng chuyên ngành được giao quản lý và lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và phát triển nông thôn hiện đại, bền vững; Nghiên cứu các chương trình, đề án trọng tâm của Chiến lược, đặc biệt là các chương trình, đề án liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng ban hành kèm theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021- 2030 thực hiện đột phá Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025).

Kế hoạch hành động của Bộ GTVT với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội gắn với thực hiện Chiến lược. 

Cụ thể, đối với hệ thống đường bộ do Trung ương quản lý: Tiếp tục thực hiện theo định hướng dài hạn “hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, bảo đảm thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý” theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giai đoạn 2021-2025 Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ xây dựng hệ thống đường cao tốc phía Đông; các tuyến đường bộ ven biển, các tuyến quốc lộ trọng yếu và các tuyến đường bộ xương sống, huyết mạch, thông qua đó tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng các tuyến nhánh kết nối các vùng miền, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Đối với lĩnh vực giao thông nông thôn: Thực hiện theo định hướng tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ: “hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn”. Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn; cả nước 52 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa do một số đoạn chưa được cứng hóa, đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ. Để hỗ trợ các địa phương đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai để hoàn thành 243 tuyến/1.238 km đường và 2.457 cầu dân sinh thuộc Dự án “Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương” (LRAMP), làm việc với các nhà tài trợ trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt. 

Đối với đường thủy: Tăng cường công tác nạo vét các luồng đường thủy nội địa quốc gia để kết nối vận tải thủy nội địa do địa phương quản lý; xây dựng và ban hành quy định về khổ giới hạn, tĩnh không thông thuyền trên các tuyến đường thủy nội địa làm cơ sở đầu tư xây dựng công trình đường bộ và các công trình khác đảm bảo kết nối hiệu quả giữa các phương thức, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics; phối hợp với các địa phương huy động nguồn lực để xây dựng khu bến cảng đầu mối, cửa ngõ theo quy hoạch. 

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị ngành GTVT về tầm quan trọng của việc thực hiện Chiến lược. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao: nghiên cứu, lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và trong quá trình tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật; triển khai các đề án, dự án được giao quản lý với các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chiến lược, phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Tăng cường chỉ đạo, điều hành hoạt động vận tải bảo đảm an toàn, thông suốt, nâng cao chất lượng dịch vụ vừa góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, vừa đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt khu vực nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ về vốn; áp dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong đầu tư xây dựng, bảo trì và quản lý khai thác hệ thống giao thông nhằm giảm chi phí đầu tư, tránh lãng phí giúp việc giảm nghèo được bền vững. Nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý GTVT, có chính sách ưu đãi đối với người làm việc trong điều kiện lao động đặc thù, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện Chương trình hành động này. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai thực hiện các chương trình, dự án được giao quản lý đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược của đơn vị, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 25/12 và khi được yêu cầu. Trong quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Kế hoạch hành động này, các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo Bộ xem xét, quyết định./.