Chính quyền xã Nam Điền cùng với cán bộ thôn Tân Đông tuyên truyền
cho người dân về chủ trương xây dựng cao tốc Bắc - Nam.
Xã Nam Điền (Thạch Hà) có 700m đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, ảnh hưởng tới đất của 82 hộ dân thôn Tân Đông, trong đó có 3,1 ha đất nông nghiệp, 120 m2 đất ở, 1.200 m2 đất thương mại - dịch vụ.
Ngay khi có thông tin chính thức về dự án, xã Nam Điền đã làm việc với chi bộ thôn, tổ chức cuộc họp với người dân Tân Đông để thông tin, tuyên truyền về chủ trương.
“Người dân rất vui mừng khi biết dự án cao tốc đi qua và tin tưởng, công trình sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Thế nên, khi Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long - chủ đầu tư đoạn cao tốc cắm mốc thực địa GPMB thì chỉ trong 2 ngày, xã đã hoàn thành công việc kiểm đếm diện tích đất, tài sản bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Sỹ Quý, Chủ tịch UBND xã Nam Điền cho hay.
Cũng trong thời gian này, xã Kim Song Trường - một trong 9 địa phương ở huyện Can Lộc có tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi đi qua cũng đã tổ chức kiểm đếm 190/195 hộ có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án.
Số hộ còn lại chưa thực hiện do người dân đang đi vắng. Theo ông Phan Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường, với 6,34 km cao tốc đi qua 12/16 thôn thì xã là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất của huyện với 54,8 ha đất các loại cần thu hồi (4,2 ha đất ở, 50,6 ha đất nông nghiệp và các loại đất khác), 95 ngôi mộ và 70 hộ dân cần di dời tái định cư.
Với khối lượng GPMB lớn, thời gian qua, xã đã thành lập Ban GPMB với sự tham gia của đầy đủ các thành phần, tập trung tuyên truyền, giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của bà con xung quanh việc triển khai dự án. Bên cạnh việc các thôn thường xuyên thông tin về dự án trên loa truyền thanh, xã cũng tiến hành niêm yết danh sách các hộ dân cùng diện tích đất cụ thể sẽ thu hồi để mọi người tham khảo, nắm bắt.
Với các hộ dân cần di dời tái định cư, xã Kim Song Trường phối hợp với huyện Can Lộc đề xuất các ngành chức năng khảo sát, lập quy hoạch 2 khu tái định cư tại thôn Phúc Yên (diện tích 4,9 ha) và thôn Đông Vĩnh (diện tích 4,8 ha). Hai địa điểm này đều có giao thông thuận lợi và nhận được sự đồng thuận cao từ các hộ dân.
Xác định công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về chủ trương xây dựng, tầm quan trọng của dự án cao tốc Bắc - Nam đối với sự phát triển của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại các địa phương có công trình đi qua.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà cho hay: Đơn vị đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với đoạn cao tốc Vũng Áng - Bùng tại các xã Kỳ Lạc, Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh) và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân về việc triển khai dự án.
Thời điểm này, các sở: TN&MT, Xây dựng, GTVT, NN&PTNT, KH&ĐT, Công thương hay Bộ CHQS tỉnh - các đơn vị được giao trách nhiệm chuẩn bị công tác triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực hoàn thành phần việc, đảm bảo khởi công đúng tiến độ đề ra của Chính phủ trong tháng 11/2022.
Trong đó, Sở TN&MT được giao đầu mối rà soát, tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên thực hiện dự án; cung cấp số lượng mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và tổ chức kiểm tra các bãi đổ chất thải rắn xây dựng phục vụ cho dự án cũng như thẩm định bản đồ địa chính (chỉnh lý, trích lục, trích sao hoặc trích đo bản đồ địa chính) phục vụ công tác GPMB…
Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Hữu Khanh thông tin, để thực hiện được khối lượng công việc lớn, phức tạp, các phòng, ban của đơn vị đang tích cực phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các phần việc đúng với lộ trình đề ra.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tới thời điểm này, Sở TN&MT đã cung cấp thông tin về các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cho chủ đầu tư. Căn cứ theo danh sách này, chủ đầu tư đã rà soát được 32 mỏ đất, 19 mỏ cát, 25 mỏ đá và bước đầu xác định trữ lượng và chất lượng các mỏ khoáng sản cơ bản đáp ứng nhu cầu dự án. Cùng với đó, đã kiểm tra được vị trí 52 bãi thải để đáp ứng 8,19 triệu m3 chất thải rắn xây dựng trong quá trình thi công.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông ngày 22/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay: Với 102,5 km của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua 6 huyện, thị xã thì khối lượng GPMB của Hà Tĩnh là rất lớn khi cần thu hồi gần 1.000 ha đất, tái định cư gần 600 hộ dân, di dời 600 ngôi mộ, xây dựng 21 khu tái định cư.
Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Thạch Hà và xã Tân Lâm Hương kiểm tra vị trí
đề xuất quy hoạch xây dựng khu tái định cư những hộ dân ảnh hưởng dự án cao tốc
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện các phần việc phục vụ công tác chuẩn bị triển khai dự án mà Chính phủ và Bộ GTVT giao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành chỉ thị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo GPMB phục vụ thi công cao tốc.
Tới thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã và đang thực hiện tốt các nội dung theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, đáp ứng tiến độ, chất lượng.
Tỉnh đã tổ chức thực hiện đồng thời một số công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; gửi hồ sơ thẩm định chuyển đổi mục đích sử dụng 100 ha rừng cho Bộ NN&PTNT; gửi hồ sơ thẩm định chuyển đổi mục đích sử dụng 539,02 ha đất cho Bộ TN&MT; rà soát các vị trí, diện tích, quy mô xây dựng phù hợp với nhu cầu tái định cư của người dân; rà soát, kiểm tra các mỏ vật liệu xây dựng, bãi thải phục vụ triển khai dự án…
Để đảm bảo mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11 năm nay và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 theo yêu cầu của Chính phủ, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT khẩn trương tổ chức xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác GPMB để cấp huyện triển khai; tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch trong phạm vi hướng tuyến; giao các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các công tác phục vụ cho việc tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật…