Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiểm tra thực tế toàn tuyến Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh)

Ngày 20/05/2022
Ngày 19/5, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về Dự án đường Vành đai 3 và khảo sát thực địa dự án này. Tham dự Đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Chú thích ảnh

Đoàn khảo sát thực địa tại nút giao Bến Lức (tỉnh Long An).

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án, trong tuần này sẽ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ có ý kiến để sớm trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp Quốc hội giữa năm nay. 

Theo ông Phan Văn Mãi, trong các nội dung thực hiện thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó nhất. Trong đó, số hộ dân sẽ giải tỏa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khoảng gần 2.500 hộ trên tổng số hơn 3.800 hộ của toàn dự án. Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng khi Quốc hội thông qua dự án.

Thành phố Hồ Chí Minh có quỹ nhà tái định cư trên địa bàn lớn, đủ bảo đảm bố trí cho người dân bị giải tỏa dự án đường Vành đai 3. Công tác đền bù, tái định cư phải trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân. Trong đó, Thành phố phải bảo đảm giá đền bù thỏa đáng, tái định cư thuận lợi, cố gắng bố trí nơi tái định cư gần nơi ở cũ của người dân, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống… 

“Trong 4 địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh phải nỗ lực nhiều hơn, thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ huy dự án và Hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia, nguyên cán bộ lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng. Cơ chế này giúp nhận diện vấn đề sớm, kịp thời đưa ra các giải pháp thực hiện”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, các địa phương rất quyết tâm thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 3 vì hầu hết đều cam kết sẽ có phiên họp HĐND bất thường tại địa phương để bảo đảm thông qua nguồn vốn bố trí đầu tư, kể cả vốn điều chỉnh tăng thêm. Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách địa phương để dự án triển khai đồng bộ, vận hành cùng lúc.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện, Thành phố Hồ Chí Minh cùng 3 tỉnh đã chuẩn bị 3 nhóm việc. Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng đang được các địa phương khảo sát, chuẩn bị khu vực tái định cư tại chỗ và bộ máy nhân sự cho công tác này khi Quốc hội thông qua. Thứ hai, sẽ tiếp tục rà soát, thống kê các mỏ nguyên vật liệu, bảo đảm cung cấp đủ cho quá trình thực hiện dự án. Thứ ba, chuẩn bị bộ máy vận hành, bảo đảm vai trò đầu mối của Thành phố Hồ Chí Minh. 

Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại 3 vị trí quan trọng của dự án đường Vành đai 3. Đó là điểm giao cắt cuối tuyến Vành đai 3 với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương thuộc địa bàn tỉnh Long An; nút giao Bình Chuẩn; nút giao Tân Vạn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua khảo sát, ông Vũ Hồng Thanh đánh giá việc xây dựng tuyến Vành đai 3 là rất cấp thiết và cấp bách. Đoàn khảo sát sẽ báo cáo Quốc hội sớm có ý kiến, thông qua dự án đường Vành đai 3.

Với tính chất kết nối liên vùng, là điểm đầu của các tuyến cao tốc, kết nối với các quốc lộ hướng tâm, việc đầu tư dự án đường Vành đai 3 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao nhằm tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. 

Theo thiết kế, tổng chiều dài tuyến đường Vành đai 3 (đầu tư phân kỳ) là 76,34km đi qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An (Thành phố Hồ Chí Minh 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km, Long An 6,81km). Trong đó, điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3. Theo dự kiến, dự án đường Vành đai 3 sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba, khai mạc vào ngày 23/5/2022.

Nguồn: Báo Nhân Dân, TTXVN