Bắc Ninh: Xây dựng văn hóa không uống rượu, bia khi tham gia giao thông

Ngày 26/05/2022
“Bất kể nồng độ cồn trong máu cao hay thấp nhưng lái xe sau khi uống rượu bia đều là hành động nguy hiểm”. Đó là nhận định, phân tích của các chuyên gia về sức khỏe, thần kinh của người sau khi đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông.

Chính vì vậy mà hành vi uống ượu, bia điều khiển phương tiện chiếm tới gần 70% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây chết người, TNGT đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phải nâng cao các giải pháp truyền thông nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm, dần hình thành nét văn hóa không uống rượu, bia khi tham gia giao thông của mọi tầng lớp nhân dân.

Cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, đồng nghĩa với các dịch vụ ăn uống, vui chơi hoạt động sôi nổi, các buổi liên hoan, tụ họp thường xuyên... khiến số lượng người uống rượu, bia tham gia giao thông tăng cao, làm gia tăng các hành vi vi phạm Luật Giao thông, là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Ban ATGT tỉnh đề cao công tác xây dựng nét văn hóa không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, bằng việc huy động toàn lực lượng kiểm soát nồng độ cồn và tăng cường các biện pháp tuyên truyền đa dạng dưới mọi hình thức nhằm làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của mỗi lái xe. Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, của tỉnh, Ban ATGT chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền dưới mọi hình thức, sát với thực tế và áp dụng cho từng đối tượng cụ thể.

Một mặt tuyên tuyền bằng những hình ảnh trực quan sinh động như in băng rôn, phát tờ rơi tại các tụ điểm đông người, cấp cho Ban ATGT các địa phương, các tổ chức đoàn thể về nội dung: ATGT trách nhiệm của mỗi người; đã uống rượu, bia không lái xe; nguy cơ tiềm ẩn TNGT… để dần làm thay đổi hành vi đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện của người dân. Mặt khác, yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt chế tài xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện, tạo sức răn đe mạnh cho mọi đối tượng, nhất là đối với người trẻ tuổi.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn

tại đường Lý Thái Tổ (thành phố Bắc Ninh).

Các đơn vị chức năng như Phòng CSGT Công an tỉnh, Ban ATGT các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT, nguy cơ TNGT do rượu, bia gây ra... bằng các hình thức  xây dựng phóng sự, chương trình khoa giáo hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ phát trên hệ thống truyền thanh; tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động; phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức các buổi ngoại khóa giáo dục pháp luật ATGT nói chung và ATGT liên quan đến rượu, bia nói riêng... dần hình thành thói quen không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện ở mỗi lái xe.

Cùng với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm thì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện cũng được triển khai nghiêm túc, đồng loạt và thường xuyên tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm trong toàn tỉnh. Các chuyên đề về kiểm soát rượu, bia được thực hiện bài bản, tập trung vào các giờ cao điểm, buổi trưa, buổi tối, tạo sức răn đe mạnh đối tượng vi phạm.

Ngay trong quý I, đã có 251 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Đặc biệt, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã được ban hành và triển khai hiệu quả. Ngay sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các thành viên Ban, Ban ATGT các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để Luật thực sự đi vào cuộc sống. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng CSGT công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp với tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng đồ uống có cồn, góp phần làm giảm mạnh các vụ TNGT do rượu, bia gây ra.

TNGT vẫn có chiều hướng tăng cao, đòi hỏi các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát để trả lại sự bình yên cho mỗi tuyến đường, địa bàn trong tỉnh. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân còn kém, nhất là giới trẻ, bất chấp nguy hiểm tính mạng và những người tham gia giao thông khác thì việc xây dựng nét văn hóa không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện phải được triển khai toàn diện, rộng khắp ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, có gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, tạo sức lan tỏa chung trong toàn cộng đồng. Đó là giải pháp quan trong góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do TNGT liên quan đến rượu, bia gây ra.

Nguồn: Báo Bắc Ninh