Chờ hạ tầng giao thông “chắp cánh” cho Đông Nam Bộ

Ngày 02/06/2022
Các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ đang sẵn sàng triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia. Khi hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực từng bước hoàn thiện sẽ góp phần tạo động lực phát triển cho cả vùng cũng như cả nước.

Tuyến tránh Quốc lộ 56 (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
sẽ là điểm đầu của cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sắp được xây dựng

Vành đai 4 đã sẵn sàng

Dự án đường Vành đai 4 vùng TP Hồ Chí Minh đang được các địa phương nơi tuyến đường đi qua (gồm các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP Hồ Chí Minh) sẵn sàng triển khai. Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh dài gần 200km, thiết kế 6-8 làn xe, tốc độ chạy xe 100km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 nghìn tỷ đồng, do các địa phương chủ động bố trí, huy động.

Giai đoạn 1 của dự án, các địa phương sẽ triển khai gói thầu độc lập giải phóng mặt bằng quy mô đến 8 làn xe và triển khai gói thầu xây dựng trước đường 4 làn xe. Theo tính toán, đoạn vành đai 4 qua Bà Rịa-Vũng Tàu dài 18km; Đồng Nai 45km; Bình Dương 49km; Long An 71km và TP Hồ Chí Minh là 17km. 

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, ngày 23/5, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trên đã thống nhất trong năm 2022 sẽ hoàn thành báo cáo tiền khả thi. Tháng 3/2023, các cấp thẩm quyền sẽ xem xét phê duyệt để dự án khởi công vào năm 2024, hoàn thành năm 2027; khai thác từ 2028.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương còn mong muốn được đẩy nhanh tiến độ, bởi tỉnh đã hoàn thành gần 27km trong tổng số 49km đường vành đai 4 qua địa bàn. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Minh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ cho phép Bình Dương chi ngân sách giải phóng mặt bằng và xây dựng 22km còn lại bằng vốn huy động từ các doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2024.

Cũng trong tháng 4, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm việc với tỉnh Đồng Nai để thống nhất về cơ chế phối hợp thực hiện dự án. Hai địa phương thống nhất sẽ đầu tư đồng thời hai đoạn tuyến đi qua hai tỉnh (đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 47km), thống nhất tiêu chí chọn nhà đầu tư thực hiện để bảo đảm khai thác đồng bộ tuyến đạt hiệu quả, rút ngắn thời hạn thu hồi vốn cho nhà đầu tư…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho hay, tỉnh đã giao huyện Châu Đức khảo sát, thống kê sơ bộ ban đầu đối với hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có đất thu hồi thuộc dự án đoạn qua địa bàn huyện này và khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của tỉnh trước đó. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh rà soát, thống kê toàn bộ quỹ đất hai bên đường, phối hợp Sở Xây dựng, thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức rà soát lại quy hoạch xây dựng để đề xuất các quỹ đất, lập phương án tổ chức bán đấu giá nhằm tạo nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh...

Với đường vành đai 3, UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa có tờ trình Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường. Thành phố kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3. Tổng chiều dài dự án khoảng 76,34km. Địa điểm thực hiện dự án là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Quy mô đầu tư gồm bốn làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe (bố trí không liên tục); phân chia thành tám dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. Các dự án thành phần sẽ được triển khai hoàn thành đồng bộ theo tiến độ chung của toàn dự án. Giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô giai đoạn hoàn thiện. Tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, bằng hình thức đầu tư công, tiến độ thực hiện từ năm 2022-2027. 

Theo khảo sát, tính toán, dự án có 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong đó có 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư. Các địa phương đã sơ bộ phương án tái định cư theo quy định như chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư bảo đảm quyền lợi của người dân. Riêng tỉnh Bình Dương, dự kiến hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo nơi ở mới.

Chuẩn bị cho cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang tích cực triển khai nhiều phần việc để có thể khởi công dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu ngay khi Quốc hội thông qua. Đây là tuyến đường huyết mạch nối cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải lớn nhất cả nước tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với vùng công nghiệp lớn nhất cả nước tại Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, thay thế cho quốc lộ 51 đã thường xuyên ùn tắc vì quá tải. Anh Trần Văn Ỏn, lái xe Công ty TNHH dịch vụ vận tải Trần Đại Thắng (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bộc bạch: “Hằng ngày lái xe giao nhận hàng hóa trên tuyến quốc lộ 51 là một áp lực không nhỏ vì cả chiều đi lẫn chiều về luôn kẹt xe hàng giờ, thật sự rất căng thẳng. Vậy nên, anh em lái xe rất vui mừng khi nghe tin tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sắp khởi công và sẽ giải quyết tình trạng quá tải. Từ đó, việc vận chuyển hàng hóa cũng sẽ thuận lợi hơn”.

Đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ cũng đã có báo cáo tiền khả thi về dự án này trình Quốc hội. Theo đó, toàn tuyến dài 53,7km. Giai đoạn 1 xây dựng quy mô 4-6 làn xe; giải phóng mặt bằng một lần, quy mô 6-8 làn xe; tổng mức đầu tư gần 18 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công (gồm nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công; vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021). Dự án dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.

Ngày 24/5 vừa qua, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương và cam kết bố trí số vốn ngân sách địa phương 2.600 tỷ đồng (tương đương 50% số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng) cho giai đoạn 1 của dự án. Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo cho biết: “Tỉnh cam kết bố trí đầy đủ vốn ngân sách để thực hiện 34,2km đoạn qua Đồng Nai của cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Nếu điều chỉnh tăng thêm tổng mức vốn đầu tư của dự án, Đồng Nai cũng cam kết bố trí đủ số vốn tăng thêm, tương ứng 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng thêm đoạn qua địa bàn”.

Theo ông Thái Bảo, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án quan trọng quốc gia, nếu được đầu tư xây dựng sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn, mở ra con đường huyết mạch, góp phần nới rộng không gian phát triển cho tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Nai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đặc biệt, khi kết hợp với sân bay Long Thành, kết nối các cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành…

Cũng tại kỳ họp chuyên đề ngày 25/5, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết thống nhất bố trí vốn ngân sách địa phương khoảng 670 tỷ đồng (tương đương 50% số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng) và tăng thêm nếu tổng vốn đầu tư tăng cho đoạn tuyến 19,5km thuộc dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, giai đoạn 1. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, giai đoạn 1 với mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với đường cao tốc bắc nam và đúng thời điểm sân bay quốc tế Long Thành vận hành, trở thành tuyến đường huyết mạch kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các vùng kinh tế khác trong cả nước. Tuyến đường cũng tạo kết nối hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, khơi thông nguồn lực của tỉnh và phát huy vai trò của hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải...

“Nghị quyết khẳng định quyết tâm của Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc kết nối hạ tầng giao thông, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Địa phương cũng sẵn sàng tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh để thông qua các chủ trương, chính sách nhằm mở ra nhiều động lực mới”, ông Phạm Viết Thanh nêu rõ.

Nguồn: Báo Thời Nay