Lạng Sơn: Cần đẩy nhanh tiến độ phát triển giao thông nông thôn

Ngày 09/06/2022
Năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 12 ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về phê chuẩn Đề án Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu mỗi năm làm mới 350 km.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, chiều dài đường giao thông cứng hoá mới chỉ đạt khoảng 31,1% kế hoạch năm và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 đạt 53,4% kế hoạch).

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), tính đến hết tháng 5/2022, các huyện mới thực hiện phân bổ được hơn 8.000 tấn xi măng cho các xã và thực hiện cứng hoá được 109,4/350 km so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2021, các huyện cứng hoá được 187/350 km). Trong đó, có tới 8/11 huyện, thành phố kết quả thực hiện chương trình phát triển GTNT giảm so với cùng kỳ năm trước.

Người dân xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng tham gia cứng hóa đường trục xã

Nguyên nhân khối lượng thực hiện giảm do các huyện thắt chặt quản lý chất lượng; điều kiện thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng lớn đến thực hiện chương trình phát triển GTNT. Ngoài ra, danh mục các tuyến đường trục xã do UBND tỉnh phê duyệt và hỗ trợ 100% vật tư vật liệu và ca máy thi công năm 2022 giảm một nửa so với năm 2021, tiến độ thực hiện các tuyến đường trục xã theo đề án cũng rất chậm.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Những năm trước, bà con  sử dụng cát nghiền và xi măng Nhà nước cấp để cứng hoá các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, do đó tính bền vững không cao. Năm 2022, huyện yêu cầu các xã phải đối ứng đủ về vật liệu theo tiêu chuẩn như: cát, đá, nhân công và có văn bản chấp thuận nghiệm thu của phòng chức năng cấp huyện thì mới cấp xi măng. Vì huyện yêu cầu cao hơn về chất lượng, do đó năm 2022, các xã phải cơ cấu lại danh mục các tuyến đường cần xây dựng cũng như vận động đối ứng đủ, bảo đảm chất lượng vật liệu đầu vào mới triển khai tiếp. Điều này dẫn đến tiến độ thực hiện chậm và khối lượng bê tông hoá thực hiện đạt thấp so với cùng kỳ, trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn huyện mới cứng hoá được 9,6 km đường GTNT (5 tháng đầu năm 2021 huyện cứng hoá được 33,19 km).

Để thúc đẩy tiến độ thực hiện chương trình phát triển GTNT, từ giữa tháng 5/2022, huyện Chi Lăng đã kiểm tra thực tế tình hình thực hiện tại các xã, trong đó có các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, trên cơ sở đó, huyện yêu cầu các xã rà soát khả năng triển khai các tuyến đường và chỉ đạo các xã phải có giải pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Còn tại huyện Hữu Lũng, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, thời tiết mưa nhiều nên huyện chưa cấp xi măng cho các xã làm đường trục thôn, ngõ xóm. Cùng đó, việc thực hiện các thủ tục lập hồ sơ dự toán, đấu thầu các công trình đường trục xã theo đề án chậm, dẫn đến khối lượng thực hiện chương trình phát triển GTNT giảm mạnh so với năm 2021. Cụ thể, nếu như 5 tháng đầu năm 2021 toàn huyện đã cứng hoá được 13,5 km đường GTNT các loại thì 5 tháng đầu năm 2022, toàn huyện chỉ thực hiện được 4,52 km.

Theo số liệu thống kê, trong số 28 công trình đề án xây dựng các tuyến đường trục xã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư trong năm 2022 với tổng chiều dài 68,9 km, tính đến hết tháng 5/2022 mới có 8/28 công trình đang được triển khai thi công; 20/28 công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ chưa đủ điều kiện để khởi công trong 5 tháng đầu năm.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở GTVT đã ban hành Văn bản số 1545 ngày 27/5/2022 về việc đôn đốc các huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình GTNT năm 2022.

Ông Vũ Văn Nhiên, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Ngoài ban hành văn bản đôn đốc, sở cũng đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các xã tiếp tục vận động Nhân dân đối ứng nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thực hiện cứng hoá mặt đường GTNT các loại trên địa bàn. Trong quá trình triển khai các công trình đề án, có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, các huyện cần báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, sở cũng phối hợp với các sở liên quan chủ động tham mưu UBND tỉnh cân đối các nguồn lực để bố trí cho chương trình phát triển GTNT.

Chương trình phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của tỉnh nhằm thúc đẩy công cuộc hiện đại hoá khu vực nông nghiệp nông thôn. Do đó, các huyện, thành phố cần quan tâm chỉ đạo sát sao cũng như cân đối đủ nguồn lực theo kế hoạch năm, có như vậy tỉnh mới có thể hoàn thành chỉ tiêu cứng hoá 350 km trong năm 2022 theo đúng nghị quyết HĐND tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025.

Nguồn: Báo Lạng Sơn