Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực giao thông vận tải.
Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến đăng ký kế hoạch vốn, hạ tầng giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); các dự án chậm tiến độ, giảm tải cho đường bộ, đường sắt...
* Xả trạm nếu không lắp thu phí không dừng
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi: Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, từ ngày 31/7 năm nay không thu phí nào không lắp đặt thu phí không dừng được thì phải xả trạm. Việc này có thực hiện được hay không hay lại xin lùi? Việc lái xe chưa dán thẻ thu phí không dừng khi đi vào làn thu phí không dừng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100, như vậy, các trạm thu phí bị lỗi liệu có bị xử phạt không?
Liên quan đến vấn đề thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc áp dụng thu phí không dừng sẽ giúp việc đi lại thuận lợi, công khai minh bạch việc thu phí.
Tuy nhiên, việc thu phí không dừng chưa bảo đảm tiến độ đề ra vì còn nhiều vướng mắc, khó khăn như thói quen của người dân còn hạn chế, công nghệ có một số sơ sót về kỹ thuật… Hiện nay đã dán được khoảng 3,2 triệu thẻ thu phí không dừng, chiếm khoảng 69% số xe ô tô trên toàn quốc.
Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có hơn 113 trạm thu phí, hơn 400 làn đường nên không thể đáp ứng kịp về ứng dụng công nghệ, đến năm 2019 cơ bản các dự án BOT đã có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên còn 28 trạm thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam do vướng mắc về tái cơ cấu nên không có kinh phí triển khai, đến thời điểm này mới giải quyết xong về cơ chế, ký hợp đồng tín dụng để triển khai thu phí không dừng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/6 toàn bộ các trạm BOT (trừ các trạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) phải hoàn thành lắp đặt đầy đủ làn thu phí không dừng, chỉ trừ lại 2 làn ở mỗi làn đường để giải quyết những tình huống phức tạp. Riêng các trạm thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đến 31/7 phải hoàn thành toàn bộ thu phí không dừng.
“Nếu đến ngày 30/6 các trạm BOT ngoài thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chưa hoàn thành thì chúng tôi sẽ cho dừng thu phí, khi nào hoàn thiện xong thì mới cho thu phí lại. Riêng các trạm thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng như vậy, đến 31/7 không hoàn thành thu phí không dừng thì phải xả trạm, khi nào xong mới thực hiện thu phí không dừng lại”, Bộ trưởng khẳng định.
Liên quan đến lái xe, theo Bộ trưởng, nếu vi phạm lỗi điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí không dừng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Về trạm BOT lỗi, trong Nghị định 100 chưa có quy định xử phạt. “Do đó, chúng tôi xin tiếp thu, báo cáo nội dung này về Chính phủ để xem xét điều chỉnh”, Bộ trưởng cho hay.
* Không sử dụng vốn dư, gây lãng phí
Đối với vấn đề đăng ký kế hoạch vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, tất cả các danh mục đều được rà soát kỹ, xem xét tình hình thực tế để xác định số vốn đăng ký. Trong 2 năm vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân khoảng 95-96% tổng số vốn, số còn lại không giải ngân hết chủ yếu do các yếu tố bất khả kháng như khó khăn giải phóng mặt bằng; khó khăn do thời tiết, địa chất... "Năm 2022 và những năm tiếp theo, khi đăng ký với Quốc hội, với Chính phủ và được bố trí, Bộ Giao thông vận tải sẽ bám sát chỉ đạo, điều hành từng tháng để đáp ứng yêu cầu, không sử dụng vốn dư, gây lãng phí", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến băn khoăn về "tư duy nhiệm kỳ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Riêng ngành Giao thông vận tải hoàn toàn không có tư duy nhiệm kỳ bởi tất cả các quốc lộ, cao tốc đều nằm trong quy hoạch. Các quy hoạch này trong định hướng hàng chục năm, không phải bột phát đưa vào. Do đó, đa số các dự án Bộ Giao thông vận tải đăng ký với Quốc hội, Chính phủ là những dự án lớn, thường nằm trong các nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng. Những căn cứ này đảm bảo tính khách quan, minh bạch".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thêm, ngành Giao thông là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính chất liên vùng, đột phá. Do đó, Bộ Giao thông vận tải "không có tư duy nhiệm kỳ", tất cả những dự án cấp bách, tạo động lực mới, cơ hội mới và phát huy tác dụng, Bộ Giao thông vận tải sẽ kiến nghị, các bộ, ngành cùng xem xét, tham mưu cho Chính phủ; Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội, Quốc hội rà soát và là người giám sát cuối cùng những dự án này.
Liên quan đến hạ tầng giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc và cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, những dự án quy mô lớn báo cáo Quốc hội, còn những dự án nhóm A (dưới 10.000 tỷ đồng) thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Luật Đầu tư công. Dự án Chợ Mới-Bắc Kạn đã được Chính phủ đề xuất, Quốc hội đồng ý.
Hiện đã có vốn và Ban Quản lý Dự án 2, Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để bàn giao mặt bằng cho Bắc Kạn, sau đó tiến hành công tác giải phóng mặt bằng và triển khai. Với nguồn vốn đã được bố trí đầy đủ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung cùng với địa phương để hoàn thành dự án trong nhiệm kỳ này. Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông vận tải mong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cũng như địa phương hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng. Đây là khu vực miền núi với địa hình phức tạp, nếu không giải phóng mặt bằng sớm, có thể có những vị trí phải xử lý nền đất yếu; nếu làm không kịp là lỗi rất lớn.
Đối với đường Hồ Chí Minh qua khu vực Bắc Kạn và miền núi phía Bắc đi trùng Quốc lộ 3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, một số đoạn chưa làm sẽ làm mới, còn một số đoạn trùng với quốc lộ sẽ kết nối liên thông để thông tuyến giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ tính tới yếu tố nâng cấp, mở rộng. Quốc lộ 3 được hình thành từ lâu và hiện có rất nhiều đoạn cong. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với địa phương mở rộng bề rộng; một số đoạn cong đã mở rộng bánh kính cong. Tuy nhiên, so với yêu cầu chưa đáp ứng được, nhất là trong điều kiện lưu lượng giao thông lớn và tình hình phát triển kinh tế của các vùng đang phát triển nhanh.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, trong nhiệm kỳ này, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương để không chỉ Quốc lộ 3, các quốc lộ hiện nay đang có vấn đề về an toàn giao thông hoặc nhiều đoạn cong, sẽ nghiên cứu để làm công tác tham mưu trước năm 2025; chuẩn bị ngay để có điều kiện, báo cáo và bố trí vốn cho nhiệm kỳ 2026-2030. "Chúng tôi hy vọng sẽ được Quốc hội đồng ý để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 trong giai đoạn sắp tới", Bộ trưởng chia sẻ.
* Lập lại trật tự xây dựng cơ bản khi đã bố trí vốn
Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, "hiện luật này đang đi vào cuộc sống". Ngành GTVT đã triển khai thành công một số dự án bằng hình thức PPP như đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai); cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng)... Những dự án này có nguồn vốn của Nhà nước dưới 50%, địa hình tương đối tốt và giải phóng mặt bằng ít, nên huy động rất tốt nguồn vốn PPP. Tuy nhiên, có nhiều công trình, dự án, nếu có chi phí giải phóng mặt bằng lớn hoặc phải xử lý nền đất yếu, có hầm, cầu..., nếu nguồn vốn Nhà nước chỉ chiếm 50% sẽ không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, do đó sẽ khó thành công với bài học kêu gọi PPP, một số dự án không thành công.
Về giải pháp lâu dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các thay đổi để sớm sửa đổi Luật PPP. "Những dự án lớn mang tính đột phá, đặc thù, có thể vốn nhà nước nên chiếm 60-70%, vốn nhà đầu tư 30% cũng lên tới 2-3 nghìn tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu theo hướng này để cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ rà soát rồi báo cáo lại Quốc hội. Nếu Quốc hội đồng thuận, trong giai đoạn sắp tới, PPP của lĩnh vực giao thông vận tải sẽ tốt hơn", Bộ trưởng nêu.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội "hầu hết các dự án chậm tiến độ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, "chỉ một số dự án chậm tiến độ" bởi mỗi năm, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành lập 70-80 dự án, trong đó chỉ có 5-7 dự án chậm. Cụ thể, dự án nhóm B, C thường không chậm; những dự án lớn cần phải xử lý nhiều yếu tố kỹ thuật đặc thù nên thường chậm.
"Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải không lẩn tránh trách nhiệm. Những dự án chậm tiến độ, có vấn đề về chất lượng, có giải pháp chưa phù hợp... dẫn đến lãng phí, đó là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, trong đó có trách nhiệm của cá nhân tôi", Bộ trưởng nêu; đồng thời nhấn mạnh, đây là trách nhiệm lớn của Bộ để tham mưu cho Chính phủ hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện dự án đảm bảo tiến độ. Bộ Giao thông vận tải cố gắng hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nhất là những dự án trọng điểm, bằng cách kiểm tra tiến độ hàng tuần, hàng tháng, hàng ngày để có những giải pháp kịp thời hoặc vượt thẩm quyền, báo cáo của Chính phủ để phối, kết hợp xử lý.
Đối với việc kết nối Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là dự án ODA do Ban Quản lý dự án 2 đang thực hiện. Tuy nhiên, dự án triển khai rất chậm do phải thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam và luật, quy định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đến thời điểm này, đã khởi công được 2 gói thầu, 9 gói thầu còn lại đã xét thầu xong, tiến tới triển khai đồng loạt 11 gói thầu.
Bày tỏ mong muốn được Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng nêu rõ: "Không có mặt bằng chúng ta không làm được, có tiền cũng không làm được. Đây là vấn đề mấu chốt, thiết thực với địa phương. Bộ Giao thông vận tải rất mong các địa phương hỗ trợ để có mặt bằng. Bộ có trách nhiện chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo các nhà thầu thực hiện nghiêm. Nếu Ban quản lý dự án chểnh mảng, chúng tôi xử lý ngay. Còn nhà thầu chểnh mảng, sẽ cắt hợp đồng, tịch thu bảo lãnh hợp đồng và xử lý nghiêm để lập lại trật tự xây dựng cơ bản khi đã bố trí vốn, cố gắng hoàn thành đúng tiến độ".