Xây dựng văn hóa giao thông từ những hành động nhỏ

Ngày 14/06/2022
Nói đến văn hóa giao thông là nói đến ý thức chấp hành pháp luật, cách ứng xử, hành động đẹp, việc làm hay của người dân khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông vừa là động lực vừa là mục tiêu tạo nên một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh, hiệu quả, một môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Quảng Ninh và người dân tham gia thu dọn đỗ tương bị đổ ra QL18,
đoạn qua phường Đại Yên, TP Hạ Long.

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh các chiến sĩ Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh cùng người dân khu vực phường Đại Yên, TP Hạ Long, không ngần ngại giúp đỡ một lái xe container thu dọn hàng tấn đỗ tương bị đổ ra đường. Hành động đẹp của lực lượng Cảnh sát giao thông và nhiều người dân không chỉ giúp nhanh chóng giảm ùn tắc, đảm bảo cho phương tiện lưu thông thông suốt mà đã thể hiện hành động văn minh, nét đẹp văn hóa giao thông của người dân Quảng Ninh.

Hay như hình ảnh những xe ô tô, xe tải, xe khách chạy chậm chắn gió cho người điều khiển xe máy di chuyển qua cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long) trong những ngày mưa, bão cũng thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Những hành động rất đỗi giản dị nhưng đã góp phần làm lan tỏa nét nhân văn, văn hóa giao thông đến đông đảo người dân. 

Không chỉ là những việc làm đơn lẻ, nhiều mô hình hay về văn hóa giao thông cũng đã được các ngành, đơn vị triển khai nhằm nêu cao nhận thức, ý thức của người dân trong xây dựng văn hóa giao thông.

Trước đây, cứ đến giờ cao điểm, tại cổng các trường học thường xuyên xuất hiện tình trạng lộn xộn, bóp còi inh ỏi, thậm chí phụ huynh còn va chạm dẫn đến cãi vãi, xô xát. Tuy nhiên, gần đây nhiều địa phương đã áp dụng mô hình xếp hàng đón con. Mô hình này bước đầu phát huy tác dụng, góp phần giảm nguy cơ mất an ninh trật tự, đảm bảo ATGT tại khu vực cổng trường học, đồng thời từng bước xây dựng văn hóa giao thông cho phụ huynh, học sinh.

Phụ huynh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, với văn hóa xếp hàng đón con.

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo là một trong những trường học đầu tiên của TP Hạ Long triển khai mô hình xếp hàng đón con. Qua gần 4 năm triển khai mô hình này đã góp phần giảm được tình trạng ùn tắc, mất trật tự, mất an toàn giao thông trước cổng trường học. Việc đưa, đón học sinh cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn. Đây cũng là một cách để các bậc phụ huynh giáo dục trẻ nhỏ xây dựng văn hóa giao thông, cần được nhân rộng.

Anh Đào Duy Hùng, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, cho biết: Việc các phụ huynh nêu cao ý thức xếp hàng đỗ xe chờ đón con ngoài đảm bảo mỹ quan trường học, không gây lộn xộn, còn đảm bảo an toàn cho con trẻ khi đến trường.

Hình ảnh đẹp về một cổng trường văn minh, an toàn tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo đã lan tỏa nhanh chóng và nhận được sự hưởng ứng, học tập của nhiều nhà trường, phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh. Ở những trường học ở khu vực vùng cao, đồng bào DTTS như Bình Liêu, Ba Chẽ, mô hình xếp hàng đón con hay cổng trường xanh-sạch- đẹp- ATGT, cổng trường tự quản đảm bảo ANTT… cũng đã được triển khai. Qua đó cũng đã góp phần giáo dục văn hóa giao thông trong học sinh, thanh, thiếu niên.

Để góp phần xây dựng nên văn hóa giao thông còn có rất nhiều những câu chuyện truyền cảm hứng khác. Đó là những đoàn viên thanh niên, những hội viên Cựu chiến binh đã tình nguyện tham gia các tổ, nhóm tự quản ATGT, ANTT tại các khu dân cư, điều tiết giao thông trước các cổng trường học mỗi khi đến giờ đưa, đón học sinh.

Những gia đình nông thôn đã tình nguyện hiến đất, dịch tường rào để mở rộng đường giao thông. Hành động của họ đã truyền động lực tới ngày càng nhiều người cùng đăng ký hiến đất, để hàng trăm km đường nông thôn được nâng cấp đẹp đẽ, thoáng rộng hơn, người dân khắp các vùng miền được lưu thông dễ dàng, an toàn và có thêm cơ hội phát triển kinh tế...

Văn hóa giao thông không chỉ dừng lại ở việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông như: Không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, không chạy quá tốc độ..., mà còn là những cử chỉ tốt đẹp như dắt người già, trẻ nhỏ sang đường, ưu tiên cứu giúp những người gặp tai nạn… Đó chính là tính cộng đồng, là việc ứng xử giữa người với người, để xây dựng một môi trường giao thông an toàn, lành mạnh.

Việc xây dựng văn hóa giao thông rất cần sự chung tay của toàn xã hội và mỗi người hãy xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, xuất phát từ ý thức giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Nguồn: Báo Quảng Ninh