Cần nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển đường cao tốc

Ngày 15/06/2022
Với hơn 1.000 km dường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP, việc thu phí cao tốc luôn bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, các tuyến cao tốc đều có quốc lộ song hành nên người tham gia giao thông luôn có sự lựa chọn.

Ảnh minh họa

Tại các tuyến đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức PPP đang khai thác hiện nay, người tham gia giao thông sẵn sàng trả phí do thu lợi trực tiếp từ việc tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, được sử dụng dịch vụ chất lượng cao, bình quân ở mức 1.662 đồng/PCU/km.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nước ta đã thực hiện công tác vận hành và quản lý hơn 1.000 km đường cao tốc được xây dựng từ nguồn vốn nhà nước (vốn vay ODA, đầu tư công) và vốn của các nhà đầu tư tư nhân theo phương thức PPP. Việc xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc hoàn chỉnh sẽ tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo. Việc tổ chức khai thác đường bộ cao tốc sẽ góp phần điều tiết lưu lượng, phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tiết kiệm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tính đến nay cả nước có 19 tuyến cao tốc với chiều dài 1.163 km, trong đó có 951 km bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc và 212 km phân kỳ đầu tư. Hiện đang triển khai đầu tư 916 km.

Nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng đường bộ cao tốc là rất lớn. Vì vậy, việc tìm thêm nguồn lực bổ sung vốn cho phát triển đường bộ cao tốc là cần thiết.

Bên cạnh đó, nhờ đi lại trên cao tốc nhanh chóng, êm thuận hơn trên quốc lộ thông thường, người sử dụng đường cao tốc sẽ tiết kiệm được chi phí thời gian và vận hành phương tiện. Tính bình quân chung 8 dự án thành phần đầu tư công, người sử dụng sẽ được hưởng lợi từ 1.500 đồng - 6.000 đồng /PCU/Km.

Thực tế, tại các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức PPP đang khai thác, người tham gia giao thông sẵn sàng trả phí do thu lợi trực tiếp từ tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, được sử dụng dịch vụ chất lượng cao, bình quân ở mức 1.662 đồng/PCU/km. Bên cạnh đó, việc thu phí cao tốc cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, các tuyến cao tốc đều có quốc lộ song hành nên người tham gia giao thông luôn có sự lựa chọn.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, kinh nghiệm của các nước có hệ thống đường bộ cao tốc phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc cho thấy, mạng lưới cao tốc đều tổ chức thu phí để thu hổi vốn, bảo trì và tái đầu tư.  Từ thực tế như vậy để thấy việc đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là hết sức cần thiết, mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, môi trường… kết nối các vùng kinh tế trọng điểm các địa phương…

Trong bối cảnh ngân sách ngày càng khó khăn như hiện nay thì phải huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống đường bộ cao tốc cũng như thu hồi vốn do Nhà nước đầu tư phát triển đường cao tốc là thực sự cần thiết.

Trường hợp Nhà nước đầu tư cung cấp dịch vụ sử dụng đường cao tốc, sẽ thu hồi một phần hoặc thu hồi toàn bộ theo cơ chế phí và đã có các văn bản quy phạm pháp luật pháp luật quy định đầy đủ, chỉ cần có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là có thể tổ chức thực hiện được ngay.

Còn trường hợp nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư kinh doanh thì phải thu hoàn vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư theo cơ chế giá.

Trường hợp nhà nước và nhà đầu tư bỏ vốn để đầu tư đường cao tốc thì giai đoạn đầu thu phí theo cơ chế giá để hoàn vốn và lãi cho nhà đầu tư. Sau đó xác lập sở hữu toàn dân bàn giao tài sản cho nhà nước để nhà nước tổ chức thu phí hoàn vốn cho ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc đến năm 2030 là khoảng 813.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng, trong đó tổng nguồn vốn ngoài ngân sách là 153,5 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển đường cao tốc. Đối với những đoạn tuyến cấp thiết song chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư thì cần xem xét đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhằm phát huy hiệu quả cả hệ thống.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng