An Giang bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Ngày 24/06/2022
Tỉnh phấn đấu tiếp tục kiềm chế, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong đó số thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) mỗi năm giảm từ 5-10%. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 48/NQ-CP, ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm lẫn hành động.

Thực hiện Nghị quyết 12/NQ-CP, ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, An Giang đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được tăng cường, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra, như: Xe chở quá tải trọng, chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia, tránh vượt không đúng quy định, đi không đúng phần đường, lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang lộ giới gây cản trở lưu thông... Những hành vi này là nguyên nhân chính gây TNGT và là nguy cơ làm gia tăng TNGT, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cảnh sát giao thông ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trước hết là tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm, kịp thời các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, bộ, ngành Trung ương có liên quan trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác bảo đảm trật tự ATGT; thường xuyên kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban ATGT các cấp để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân về công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự ATGT trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, văn hóa giao thông, đi đôi với cưỡng chế, bắt buộc việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả. Đẩy mạnh xây dựng, tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số về văn hóa giao thông an toàn với tinh thần vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải; kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa.

Xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải là một trong các mục tiêu quan trọng khi triển khai, thực hiện quy hoạch của địa phương. Ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ, hiện đại hóa công tác bảo đảm trật tự ATGT, nhất là hệ thống giám sát phát hiện vi phạm, quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe…

Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên bằng nhiều hình thức về quy tắc giao thông đường bộ, đường thủy; về tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với trật tự ATGT, nguy cơ gây TNGT. Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, đường thủy của tỉnh.

Thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời, kiên quyết hơn nữa đối với hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế nâng cao chất lượng công tác khám sức khỏe đối với lái xe; tập trung cứu chữa nạn nhân bị TNGT nhằm giảm thiệt hại về người. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho cán bộ y tế cấp xã, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an xã, dân quân tự vệ và đội ngũ tình nguyện viên bảo đảm ATGT tại cơ sở.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo phòng GD&ĐT, trường THPT đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy pháp luật về ATGT, lồng ghép trong các môn học do Bộ GD&ĐT quy định. Tăng cường hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn thông qua hoạt động ngoại khóa…

Nguồn: Báo An Giang