Đó là một trong số những nội dung quan trọng được quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành.
Danh mục thông tin phải được công khai, cập nhật sau khi có sự thay đổi
Theo đó, Nghị định gồm 05 Chương, 31 Điều, áp dụng quy mô rộng đến nhiều đối tượng là cơ quan cấp: Bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND cấp huyện, UBND cấp xã; các tổ chức cá nhân…
Đặc biệt, các cơ quan nhà nước (CQNN) cung cấp thông tin trên môi trường mạng cho các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ theo đúng quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin (CNTT) và đảm bảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý hành chính thuộc thẩm quyền ban hành hoặc được giao chủ trì soạn thảo (ghi rõ hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành, số ký hiệu, ngày ban hành, ngày hiệu lực…).
Cùng với đó, việc cung cấp thông tin văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm đồng bộ với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về văn bản pháp luật hoặc Công báo Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên.
"Thủ tục hành chính (TTHC), DVCTT, quy trình giải quyết công việc của CQNN tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất, tích hợp từ cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), cổng dịch vụ công (DVC) cấp bộ, cấp tỉnh…", Nghị định yêu cầu.
CQNN khi cung cấp thông tin phải có danh mục thông tin và phải công khai,
nêu rõ địa chỉ, hình thức, thời điểm, thời hạn công khai đối với từng loại thông tin
Hơn nữa, đối với cơ quan cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... phải bảo đảm có các thông tin về sơ đồ, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trực thuộc; cấp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và UBND cấp huyện phải bảo đảm cung cấp thông tin về chiến lược, kế hoạch, quy hoạch ngành, lĩnh vực quản thẩm quyền tại địa phương…
Tổ chức bộ máy hành chính, bản đồ địa giới hành chính đến cấp xã, điều kiện tự nhiên, lịch sử, truyền thống văn hóa, di tích, danh thắng; tiểu sử tóm tắt và nhiệm vụ đảm nhiệm của lãnh đạo cơ quan…
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cơ quan cần báo cáo tài chính công khai theo quy định của Luật kế toán; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của Luật Thống kê; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học theo quy định của Luật KH&CN.
"Đặc biệt, các danh mục thông tin phải được công khai, nêu rõ địa chỉ, hình thức, thời điểm, thời hạn công khai đối với từng loại thông tin; thông tin của CQNN cung cấp trên môi trường mạng phải được cập nhật sau khi có sự thay đổi", Nghị định yêu cầu.
Các CQNN cần đa dạng triển khai các kênh cung cấp thông tin
Cũng theo Nghị định, Trang thông tin điện tử (TTĐT) hoặc cổng TTĐT của CQNN là kênh cung cấp thông tin thống nhất, tập trung của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Nhằm phát huy, tận dụng hiệu quả việc thực hiện các quy định trên, Nghị định nêu thêm, căn cứ vào điều kiện cụ thể, các CQNN cần đa dạng triển khai các kênh cung cấp thông tin theo các mô hình: Cổng dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh; mạng xã hội (MXH) do CQNN cho phép; thư điện tử (Email); ứng dụng trên thiết bị di động do CQNN cho phép; tổng đài điện thoại.
Không chỉ quy định đa dạng về các kênh cung cấp thông tin, Nghị định yêu cầu thêm, các cơ quan nhà nước khi công bố các kênh cung cấp thông tin trên môi trường mạng cần đảm bảo thuận tiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; cho phép tổ chức, cá nhân đánh giá trực tuyến mức độ hài lòng về thông tin được cung cấp (ý kiến đánh giá của các tổ chức, cá nhân đánh được đảm bảo bí mật, bảo vệ)…
Liên quan tới nội dung đảm bảo quyền lợi, đa dạng phạm vi cho các đối tượng tiếp cận thông tin, Nghị định giao nhiệm vụ quan trọng cho Bộ TT&TT thực hiện việc hướng dẫn, ban hành tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ TT&TT; cung cấp trên môi trường mạng.
Cũng theo Nghi định này, Cổng TTĐT Chính phủ làm đầu mối kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng. Cùng với đó, Cổng TTĐT của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là kênh cung cấp thông tin chính thống, tập trung của CQNN trong phạm vi bộ, ngành, địa phương trên môi trường mạng.
Thông qua địa chỉ này, đây sẽ là đầu mối kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng; hướng dẫn nghiệp vụ, tích hợp thông tin với cổng TTĐT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cổng TTĐT của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối, tích hợp với Cổng TTĐT Chính phủ, Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số.
Để đảm bảo thống nhất tên miền truy cập cổng TTĐT, các CQNN sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" và sử dụng công nghệ địa chỉ Internet IPv6… "Đặc biệt, Bộ TT&TT đảm bảo việc hướng dẫn về cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho Cổng TTĐT của CQNN và xây dựng công cụ dùng chung để các CQNN phát triển Cổng TTĐT" Nghi định nêu rõ.
Cũng theo Nghi định quy định, Cổng DVC cấp bộ, tỉnh là thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp thông tin, DVCTT thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp cho tổ chức, cá nhân.
Việc vận hành Cổng DVC cấp bộ, tỉnh phải bảo đảm yêu cầu: Có tên miền thống nhất theo dạng: dichvucong. (tên bộ, địa phương).gov.vn với giao diện ngôn ngữ tiếng Việt, e-services.(tên bộ, địa phương tiếng Anh).gov.vn với giao diện ngôn ngữ tiếng Anh; tên bộ, địa phương đặt theo quy định của pháp luật và sử dụng công nghệ địa chỉ Internet IPv6.
Đồng thời, kết nối, tích hợp với cổng TTĐT của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cổng DVCQG; Kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số; Kết nối với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng để giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện ký số thuận tiện, dễ dàng khi sử dụng các DVCTT của CQNN trên môi trường mạng.
Cung cấp thông tin không thu thập lại các thông tin đã có
Nghi định cũng nêu rõ, cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật đối với cổng DVC cấp bộ, cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ TT&TT. Bộ TT&TT xây dựng công cụ dùng chung để các CQNN phát triển cổng DVC cấp bộ, cấp tỉnh.
Cũng nhằm nâng cao hiệu quả việc giám sát, đo kiểm kết quả việc sử dụng DVCTT, Bộ TT&TT xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về công cụ đánh hiệu quả, mức độ sử dụng DVCTT của CQNN; tích hợp, đồng bộ thông tin kết quả đánh giá với Hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân, DN của Cổng DVC quốc gia, bảo đảm tận dụng, không thu thập lại các thông tin đã có.
Việc đảm bảo nguồn nhân lực; kinh phí; hạ tầng kỹ thuật cũng được Nghi định quy định cụ thể để thực hiện - điều này nhằm mục tiêu bảo đảm hoạt động cung cấp thông tin và DVCTT trên môi trường mạng.
Cuối cùng, ở Chương V, trách nhiệm của từng đơn vị thực hiện cũng đã được quy định rõ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2022, thay thế Nghị định số 43/2011/ NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT trên trang TTĐT hoặc Cổng TTĐT của CQNN.
"Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành", Nghị định yêu cầu./.