Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông thông minh

Ngày 11/07/2022
Nhằm xây dựng một thành phố năng động, sáng tạo Hà Nội đã và đang quy hoạch, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó phải kể đến hạ tầng giao thông thông minh. Hệ thống này được kỳ vọng là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Dần hình thành

Hiện nay, trên thế giới có nhiều khái niệm về giao thông thông minh. Thế nhưng, chúng ta có thể hiểu đơn giản hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems - ITS) là hệ thống các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông.

Hà Nội hiện đang tập trung xây dựng hình hài, nền móng cho thành phố thông minh (TPTM), trong đó ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT) để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.

Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông thông minh - Ảnh 1.

Trung tâm điều khiển giao thông của thành phố Hà Nội

Cụ thể, thành phố đã lắp đặt hơn 400 camera giám sát tại 200 nút giao thông kết nối với Trung tâm Điều hành giao thông của Công an thành phố. Các phương tiện vận tải hành khách xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe liên tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trung tâm điều hành của doanh nghiệp (DN), Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Hà Nội cũng thí điểm chốt chuyến lượt xe buýt bằng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) cho hơn 700 xe buýt; thí điểm vé điện tử trên các tuyến buýt 32, 51, 06, BRT.

Cùng với đó, thành phố đã triển khai một số ứng dụng phục vụ người dân và công tác quản lý, gồm: ứng dụng "Timbuyt" để tra cứu thông tin về hoạt động xe buýt; ứng dụng "Ipaking" thu phí đỗ xe; ứng dụng "Goveone" trong quản lý bảo trì đường bộ. Ngoài ra, thành phố phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội.

Thông qua hệ thống này, người tham gia giao thông có thể nắm bắt thông tin trước và trong khi tham gia giao thông; tham gia giao thông một cách an toàn; tăng trải nghiệm sử dụng dịch vụ đường bộ. Đối với phương tiện giao thông, ứng dụng công nghệ sẽ giúp giảm thiểu chi phí nhiên liệu, bảo trì. Các DN vận tải sẽ quản lý và điều hành phương tiện hiệu quả; tiện lợi trong việc thu phí vận tải; tự động hóa việc vận hành; tăng năng suất vận tải của phương tiện. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dữ liệu được thu thập để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng hiệu quả và hiệu suất sử dụng đường bộ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Triển khai đồng bộ

Với cơ sở hình thành ban đầu, Hà Nội đã và đang xây dựng đề án phát triển giao thông thông minh. Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang lập và phê duyệt đề án phát triển giao thông thông minh. Theo dự kiến, việc thực hiện các chương trình, dự án bắt đầu từ năm 2023.

Theo nội dung dự thảo sẽ tập trung vào 6 nhóm dịch vụ. Cụ thể, trong quản lý và điều hành giao thông có các dịch vụ chủ yếu như: Giám sát điều khiển giao thông; giám sát chấp hành Luật Giao thông (xử phạt bằng hình ảnh; hỗ trợ kiểm soát tốc độ phương tiện; hỗ trợ chấp hành đèn tín hiệu giao thông); phát hiện và xử lý sự cố.

Về thông tin giao thông có các dịch vụ cung cấp thông tin trước và trong khi tham gia giao thông; dịch vụ dẫn đường. Về vận tải công cộng có dịch vụ hỗ trợ quản lý, giám sát phương tiện; điều hành vận tải công cộng; ưu tiên phương tiện vận tải công cộng; cung cấp thông tin thời gian thực về vị trí phương tiện cho người dân. Người dân có thể thanh toán điện tử vận tải công cộng tại các bãi đỗ xe, trạm thu phí; thanh toán điện tử tích hợp, liên thông.

Dịch vụ hỗ trợ lái xe an toàn gồm: Quản lý thông tin lái xe; hỗ trợ quản lý đào tạo cấp giấy phép lái xe; kiểm soát tự động tốc độ phương tiện cho lái xe. Ngoài ra, còn có dịch vụ hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp. Trong quá trình phát triển, các dịch vụ có thể được bổ sung và hoàn thiện.

Để dự án đáp ứng tính khả thi GS. TS. KTS. Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, để xây dựng hệ thống giao thông thông minh, Hà Nội phải có một quy hoạch giao thông thông minh; cần ứng dụng CNTT để quản lý, điều hành diễn biến giao thông trên đường phố, có các thiết bị đo mức độ ô nhiễm từ phương tiện giao thông; tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông thông minh - Ảnh 2.

Giao thông Thủ đô sẽ ngày càng hiện đại hơn

Hy vọng với những quyết tâm của thành phố, môi trường giao thông của Thủ đô sẽ được cải thiện góp phần phục vụ nâng cao đời sống của người dân. Qua đó, tạo đà cho kinh tế xã hội phát triển./.

Nguồn: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông