Cao Bằng: Tăng cường đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025

Ngày 11/07/2022
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1749/KH-UBND tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ.

Tăng cường đảm bảo TTATGT và chống ùn tắc giao thông
hướng đến xây dựng hệ thống giao thông an toàn,
thông suốt, thuận tiện, hiệu quả, thân thiện với môi trường

Việc triển khai kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông để thực hiện thành công, hiệu quả các quan điển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025. Xác định và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị để chủ động tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện.

Việc triển khai kế hoạch đảm bảo theo đúng yêu cầu của Chính phủ và phù hợp với thực tiễn địa phương; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của sở, ban, ngành, địa phương; phát huy tinh thần trách nhiệm và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo; quá trình thực hiện phát huy đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT; kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém (nếu có).

Phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) mỗi năm từ 5 - 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do TNGT đường bộ so với năm 2020; thực hiện tốt công tác tổ chức giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý kịp thời các "điểm đen", vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT; áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Kế hoạch tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các huyện, Thành phố, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật, các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số và quy hoạch sân bay gắn với liên kết vùng và liên kết vùng) tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 - 2025; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý, đề xuất xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.

Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện, thân thiện với môi trường.

Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, áp dụng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa các ngành, cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT…

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo và phân công rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân thực hiện; kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện kế hoạch ở địa phương, đơn vị mình.

Giao Ban ATGT tỉnh là cơ quan đầu mối có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm, có hiệu quả kế hoạch; kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với UBND tỉnh.

Nguồn: Báo Cao Bằng