Nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) tại các bến khách ngang sông đã được chỉ ra và yêu cầu chấn chỉnh khắc phục, nhưng qua các đợt kiểm tra, rà soát từ đầu năm đến nay của ngành Giao thông vận tải cho thấy, hoạt động chở khách ngang sông vẫn tồn tại một số hạn chế.
Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền người dân mặc áo phao và sử dụng dụng cụ nổi
cá nhân tại bến phà Phương Trù, xã Tứ Dân (Khoái Châu)
Tại một số bến khách ngang sông vẫn còn tình trạng vi phạm chở quá số người theo quy định, giấy phép hoạt động một số bến đã hết hạn hoặc sử dụng phương tiện hết hạn đăng kiểm. Các lỗi vi phạm như: Hành khách không mặc áo phao hoặc không cầm dụng cụ nổi khi sang sông; chủ phương tiện cất giữ áo phao, dụng cụ nổi ở nơi không thuận tiện, khó lấy trong tình huống cấp bách diễn ra phổ biến ở hầu hết các phương tiện đò, phà. Bên cạnh đó, ý thức của nhiều người dân tham gia giao thông tại các bến chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, đặc biệt trong mùa mưa, bão.
Bến khách ngang sông Phú Khê (còn gọi là bến phà vườn Chuối) ở thôn Phú Khê, xã Thọ Vinh (Kim Động), là một trong những bến phà được khai thác đưa vào hoạt động từ lâu. Bình quân mỗi ngày tại đây vận chuyển hàng trăm lượt khách qua sông. Phương tiện được trang bị hơn 20 bộ áo phao và 18 dụng cụ nổi cầm tay để bảo đảm an toàn cho hành khách khi qua sông. Tuy nhiên, qua quan sát của phóng viên, hầu như số áo phao và dụng cụ nổi cầm tay không được dùng đến, khách qua phà không ai mặc áo phao. Khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở, nhiều người dân qua phà vẫn không chấp hành. Thậm chí, khi phà chuẩn bị cập bến, nhiều người không chấp hành hướng dẫn của nhân viên bến phà đã chuẩn bị lên xe nổ máy để đi. Khi được hỏi tại sao không mặc áo phao khi qua phà, chị Nguyễn Thị H., một khách đi trên phà cho biết: Hàng ngày, tôi phải đi qua đoạn sông này mấy lần, thời tiết lại nắng nóng, khoảng cách lại gần, nếu cứ mặc và cởi áo phao như vậy sẽ rất mất thời gian.
Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch, yêu cầu các địa phương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đến với tập thể, cá nhân người điều khiển phương tiện các quy định về an toàn kỹ thuật và hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhằm đưa hoạt động vận tải đường thủy nội địa đi vào trật tự, nề nếp. Các đơn vị đã phối hợp cấp phát hàng nghìn tài liệu, tờ rơi tuyên truyền quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa đối với các chủ phương tiện, bến phà, bến khách ngang sông.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với các bến khách ngang sông như: Kiểm tra giấy phép hoạt động của bến khách ngang sông; phương tiện và quản lý phương tiện; thuyền viên, người lái phương tiện; trang thiết bị bảo đảm an toàn; kê khai, niêm yết giá cước; kiểm tra các công trình phụ trợ khác gần khu vực bến có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa...
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã ra quyết định xử phạt chủ phương tiện bến phà Đông Ninh, xã Đông Ninh (Khoái Châu) số tiền 1,5 triệu đồng về lỗi vi phạm sử dụng phương tiện không có đăng ký; phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã ra quyết định xử phạt 8 bến khách ngang sông với số tiền hơn 80 triệu đồng với các lỗi vi phạm chở quá số phương tiện, số người được phép chở, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh…
Để bảo đảm an toàn giao thông tại các bến khách ngang sông, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân qua sông thuận lợi tại các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu các bến khách ngang sông khắc phục những vi phạm, chấp hành quy định về hoạt động vận tải ngang sông và các quy định khác của pháp luật có liên quan; tập huấn cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại các bến khách ngang sông về công tác cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư cần thiết khi có sự cố xảy ra. Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.