Bạc Liêu: Đảm bảo an toàn giao thông tại các bến đò ngang sông

Ngày 19/07/2022
Với diễn biến thời tiết thất thường trong mùa mưa, dông, công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại các bến đò ngang sông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là vấn đề đang được quan tâm. Cùng với hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự (TT) ATGT của lực lượng chức năng, chủ các bến đò cũng chủ động đảm bảo an toàn cho hoạt động của bến mình khai thác.

Bến đò ngang văn hóa - an toàn trên địa bàn huyện Hòa Bình

Để những chuyến đò luôn an toàn

Bến đò chùa Liên Hoa (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) nằm ven tuyến Quốc lộ 1A, nối liền hai bờ xã Vĩnh Mỹ B và xã Vĩnh Mỹ A hoạt động nhiều năm nay đã được nâng cấp kiên cố, người và xe máy qua lại rất thuận tiện. Tuyến đò này là điểm sang sông chủ yếu của người dân khu vực, luôn trong tình trạng đông khách. Chủ đò liên tục điều khiển đò quay đầu từ bờ bên này sang bờ bên kia, hiếm khi phải dừng chờ, nhất là vào giờ tan tầm, lượng công nhân các công ty thủy sản tan ca nhiều. Ước tính trung bình, mỗi ngày bến này có hàng trăm lượt khách qua lại.

Thực hiện cuộc vận động xây dựng “Bến đò ngang văn hóa - an toàn”, trên đò trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh cứu đắm theo quy định; phương tiện đáp ứng tốt các yêu cầu chung như: có bảng quy định bến đò ngang văn hóa - an toàn với số điện thoại của công an cơ sở, niêm yết giá công khai trên đò, lối lên xuống đảm bảo tầm nhìn cho phương tiện…

“Làm nghề này đã nhiều năm và được hướng dẫn, tuyên truyền thường xuyên nên chúng tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa. Người lái có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện được đăng kiểm đúng hạn, có trang bị phao tròn, áo phao và không chở quá số người quy định. Những lúc mưa dông lớn là đò tạm ngừng hoạt động, đợi đến khi nào thời tiết an toàn mới khởi hành”, ông Dương Tấn Tài - chủ bến đò, cho biết.

Theo Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an huyện Hòa Bình), đơn vị thường xuyên kiểm tra, phối hợp kiểm tra các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật đối với các bến đò ngang trên địa bàn. Đảm bảo phương tiện hoạt động đưa rước khách ngang sông phải có đủ giấy phép hoạt động, thực hiện đăng kiểm định kỳ, niêm yết giá, trang bị áo phao đầy đủ; chủ phương tiện, tài công thông hiểu được các hành vi vi phạm, mức phạt đối với lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Qua kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện, tài công nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, không chủ quan, lơ là gây mất an toàn cho hành khách qua sông.

Khách qua đò ngang không mặc áo phao

Người dân phớt lờ việc mặc áo phao

Tỉnh Bạc Liêu có hàng trăm bến khách ngang sông, trong đó có nhiều bến đò qua các sông lớn và các bến đò chở khách qua sông nơi có dòng chảy xiết, tiềm ẩn các nguy cơ mất ATGT đường thủy nội địa. Thời gian qua, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp liên ngành kiểm tra 147 lượt, với 125 bến lên xuống hàng hóa, 247 bến khách ngang sông. Qua đó, lập biên bản 86 trường hợp, tổ chức cho hơn 200 lượt chủ bến thủy nội địa, công trình vượt sông, phương tiện vận tải thủy nội địa, bến khách ngang sông ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT đường thủy nội địa.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tình hình chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa hiện nay được hầu hết các bến khách ngang sông thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là ở các bến lớn, các bến đã được công nhận bến đò ngang văn hóa - an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bến không phép trên những kênh rạch nhỏ ở nông thôn. Bên cạnh đó, mặc dù đã trang bị đầy đủ trên phương tiện và được nhắc nhở song hầu hết mọi hành khách qua sông đều không tự giác mặc áo phao. Đây là thực trạng chung tại các bến đò chở khách ngang sông hiện nay, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, nhưng với tâm lý chủ quan chỉ qua sông nhỏ, thời gian di chuyển ngắn, áo phao mặc chung rất bất tiện và không đảm bảo vệ sinh…, nên người dân chưa tự giác chấp hành.

“Sự chủ quan của chủ phương tiện và hành khách trong trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu như không may xảy ra sự cố, tai nạn giao thông. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, lực lượng Cảnh sát đường thủy sẽ nghiêm túc chấn chỉnh, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác thực hiện quy định mặc áo phao, đặc biệt trong mùa mưa bão và những ngày thời tiết diễn biến phức tạp”, Thượng tá Huỳnh Văn Sáng - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh), cho biết.

Mặc dù tình hình TTATGT đường thủy ở Bạc Liêu khá ổn định, trong nhiều năm gần đây, tai nạn đường thủy không xảy ra, song liên ngành đường thủy xác định sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật, các nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ATGT đường thủy nội địa đến từng địa bàn, từng đối tượng. Tuyên truyền vận động các chủ bến đò ngang thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Đồng thời, kết hợp song song với hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý những hành vi vi phạm, đảm bảo tốt TTATGT đường thủy trên địa bàn.

Nguồn: Báo Bạc Liêu