Bắc Ninh: Tăng sức hút của xe buýt và hiệu quả vận tải khách công cộng

Ngày 01/08/2022
Hoạt động của loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong tỉnh đang có những bước phát triển đáng kể. Mạng lưới xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh tiếp tục mở rộng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được nâng cao theo hướng tiện nghi, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân.

Hiện đại và tiện nghi

Từ tháng 9/2020, tuyến xe buýt nội tỉnh Kênh Vàng- Xuân Lâm được Sở GTVT tỉnh chấp thuận hoạt động chính thức với lộ trình đi qua nhiều khu vực đông dân cư kết nối huyện Lương Tài, Gia Bình với các KCN trên địa bàn huyện Thuận Thành góp phần tăng cường tính kết nối của mạng lưới xe buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Đầu tư T-A, đơn vị khai thác tuyến xe buýt Kênh Vàng - Xuân Lâm cho biết nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp đã dành nguồn lực đầu tư khá lớn.

Toàn bộ xe buýt đưa vào hoạt động đều là xe 40 chỗ sản xuất năm 2020, mới 100% của hãng Thaco được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại như cửa lên xuống tự động, có máy lạnh, wifi miễn phí, công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật. Xe bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, được Cục Ðăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Số xe buýt còn được lắp đặt camera trên xe và thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn được hành khách đón nhận và đánh giá cao.

Tuyến xe buýt Đền Đô-Chợ Chì-Chi Lăng được đầu tư mới, đồng bộ hiện đại.

Chị Nguyễn Ngọc Mai ở xã Đại Bái (huyện Gia Bình), khách hàng thường xuyên của các tuyến xe buýt đi thành phố Bắc Ninh chia sẻ: “Trong khoảng 2 năm trở lại đây, chất lượng loại hình xe buýt được cải thiện rõ rệt. Phương tiện được đầu tư mới, đầy đủ tiện nghi, nhân viên phục vụ có thái độ văn minh, lịch sự. Do vậy, khi cần thiết di chuyển, trong quãng đường có tuyến phù hợp, gia đình tôi ưu tiên lựa chọn xe buýt”.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 8 tuyến xe buýt nội tỉnh đang hoạt động với tần suất 320 chuyến/ngày. Bình quân mỗi ngày phục vụ khoảng từ 2.000 khách trở lên. Thời gian gần đây, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao, khách hàng có xu hướng sử dụng xe buýt đi lại nhằm tiết kiệm chi phí. Thường xuyên di chuyển đoạn đường khoảng 10km từ thành phố Bắc Ninh đến KCN Tiên Sơn, chị Nguyễn Thanh Tâm (phường Ninh Xá) cho biết: Chi phí di chuyển bằng buýt chưa đến 10.000 đồng/lượt lại thoải mái, không lo chuyện nắng mưa thất thường, cũng như hạn chế tiếp xúc khói bụi…

Nâng cao năng lực vận tải

Tuy đã có những bước chuyển biến đáng kể về hệ thống tuyến xe buýt và chất lượng dịch vụ, song nhìn chung, sự phát triển của dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt không ít khó khăn. Theo Sở GTVT tỉnh, chính sách trợ giá đối với hoạt động xe buýt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vì vậy, các tuyến buýt đang khai thác chưa đảm bảo tần suất hoạt động ổn định, mạng lưới chưa thật sự phát triển rộng khắp do việc lo ngại tính hiệu quả của đơn vị vận tải khi tham gia đầu tư các tuyến mới. Sau thời gian tạm ngưng hoạt động do dịch COVID-19 cùng sự biến động của giá xăng, dầu liên tục tăng cao, hiện các tuyến xe buýt vẫn đang hoạt động khá cầm chừng, nhất là các khung giờ thấp điểm.

Ông Đỗ Văn Huy, đại diện Tân Long Bus, đơn vị đang khai thác 2 tuyến xe buýt từ thành phố Bắc Ninh đi Đại Lai- Minh Tân và Bến xe Quế Võ - Bến xe Mỹ Đình (thành phố Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, mặc dù doanh thu bị sụt giảm khá lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự tăng giá xăng dầu song doanh nghiệp vẫn thực hiện đúng cam kết cung cấp xe buýt có chất lượng tốt phục vụ người dân thông qua việc xây dựng hệ thống quản trị tốt nhất để kiểm soát xe buýt chạy đúng giờ, đúng tốc độ, đúng lộ trình cùng với đội ngũ lái xe, nhân viên có thái độ phục vụ nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng khách hàng. Qua đó, xây dựng hình ảnh xe buýt hiện đại, thân thiện, thu hút người dân sử dụng xe buýt thay thế phương tiện cá nhân… Ngoài ra, lộ trình các tuyến xe buýt mới cơ bản bảo đảm kết nối theo dọc những điểm đến quan trọng của các huyện, thành phố song chưa có nhiều mạng lưới tuyến xe buýt trục ngang...

Với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, thu hút người dân sử dụng xe buýt, Sở GTVT đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện các hành lang pháp lý làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá và mở rộng luồng tuyến.

Trong thời gian tới, ngành GTVT cũng sẽ đầu tư xây dựng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong đó, chú trọng xây dựng thêm điểm dừng, nhà chờ xe buýt và hệ thống quản lý xe buýt thông minh để người dân tiếp cận nhanh chóng dịch vụ; nghiên cứu mở mới các tuyến xe buýt, ưu tiên các tuyến xe buýt trục ngang để kết nối các địa phương tại các đầu mối giao thông, nhằm phục vụ hành khách, nhất là khu vực các huyện xa như Gia Bình, Lương Tài đến trung tâm thành phố Bắc Ninh và các KCN trên địa bàn tỉnh để tăng cường mạng lưới xe buýt, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn...

Nguồn: Báo Bắc Ninh