Hà Nội: Thí điểm phân làn cứng trên đường Nguyễn Trãi

Ngày 03/08/2022
Đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) hiện là một trong những tuyến giao thông chịu áp lực lớn nhất và cũng là nơi được đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại nhất của Hà Nội.

Để phát huy hết năng lực hạ tầng sẵn có, cần phương án tổ chức giao thông tối ưu, trong đó có việc cưỡng chế phân tách làn đường.

Nghịch lý đường đẹp vẫn tắc

Đường Nguyễn Trãi, đoạn từ Hà Đông - Ngã Tư Sở hiện là một trong những tuyến được đầu tư hạ tầng tốt nhất của Hà Nội với 5 - 6 làn xe mỗi hướng lưu thông. Nút giao Khuất Duy Tiến với 4 tầng lưu thông gồm hầm chui - đường đi thấp - đường trên cao - đường sắt đô thị (ĐSĐT). Nhưng nghịch lý đây cũng là một trong những trục giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc nhất.

Hai nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng đó là: Phương án tổ chức giao thông trên tuyến chưa tối ưu và ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông kém. Ví dụ điển hình là việc thiếu làn đường riêng khiến xe buýt vừa “chìm nghỉm” trong ùn tắc, vừa là tác nhân ít nhiều ảnh hưởng đến giao thông trên trục Hà Đông - Ngã Tư Sở. Nhiều vị trí hình thành điểm đen ùn tắc thường xuyên do người điều khiển phương tiện cố tình lấn làn, gây hỗn loạn.

Đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. 

Vào khung giờ cao điểm sáng - chiều, đặc biệt khi có mưa lớn, toàn tuyến trở thành “cơn ác mộng” giao thông đối với người dân. Hàng dài xe ùn tắc nối nhau trong hầm chui, chen chúc trong nút giao.

Xe máy, ô tô, xe buýt giành giật nhau từng khoảng trống, mạnh ai nấy đi không chỉ gây rối loạn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn. Lực lượng CSGT dù đã dàn quân dọc tuyến, căng hết sức điều tiết nhưng nhiều thời điểm vẫn bó tay trước sự rối loạn này.

Vừa qua Sở GTVT Hà Nội đã được UBND TP chấp thuận cho thí điểm sử dụng dải phân cách cứng để phân làn giao thông trên một đoạn tuyến đường Nguyễn Trãi. Đây là phương án từng được áp dụng nhiều năm về trước và cho hiệu quả rất khả quan.

Hệ thống giao thông đô thị có thể ví như một cỗ máy, càng hiện đại, càng hiệu quả. Tuy nhiên để khai thác tối đa cỗ máy đó cần một phần mềm quản lý, vận hành phù hợp, linh hoạt và chặt chẽ. Trong bối cảnh hiện nay, đường Nguyễn Trãi rất cần một phần mềm vận hành như vậy, công tác tổ chức giao thông được điều chỉnh thận trọng nhưng cũng phải rất nhanh chóng, dứt khoát.

Viết lại phần mềm cho hạ tầng hiện đại

Nhiều năm về trước, tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú đã từng được phân làn rất khoa học, giảm thiểu được UTGT. Cụ thể, khi chưa có ĐSĐT, tuyến đường này có hai làn đường dành riêng, sát lề phải mỗi hướng đi, dành cho xe buýt và xe máy, sử dụng dải phân cách cứng để tách biệt. Nhờ đó, ô tô, xe máy, xe buýt đi riêng, không chen lấn, hỗn loạn như hiện nay.

Phương án Sở GTVT Hà Nội bắt đầu thí điểm từ ngày 6/8 - 6/9 cũng tương tự như vậy. Cụ thể, cung đường thí điểm kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến sẽ được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra. Theo phương án đó, 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho xe ô tô.

Người dân đang rất mong chờ phương án phân làn này sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm UTGT trên một trong những trục hướng tâm căng thẳng nhất của Hà Nội. Khi phân tách rõ ràng, tình cảnh rối rắm, chen lấn giữa xe buýt, ô tô, xe máy dự kiến sẽ dần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, để phương án tổ chức này đạt hiệu quả như kỳ vọng cũng cần lưu tâm đến một số vấn đề khác. Ví dụ như việc cấm dừng đỗ xe sát mép vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi cần được thực hiện nghiêm, không để ô tô dàn hàng chiếm phần đường của xe buýt, xe máy.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân khi tham gia giao thông cũng là yếu tố có tính chất quyết định. Hạ tầng được đầu tư tốt, phương án tổ chức tối ưu nhưng ý thức của người điều khiển phương tiện kém thì kết quả vẫn chỉ là chen chúc, lấn làn gây mất trật tự, ATGT. Do đó, quá trình thí điểm phương án phân làn cứng trên đường Nguyễn Trãi, lực lượng chức năng cần túc trực thường xuyên để hướng dẫn, nhắc nhở người dân, kiên quyết không để xảy ra vi phạm đi sai làn, ngược chiều, dừng đỗ tuỳ tiện.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị