Huyện Văn Chấn (Yên Bái) chung sức làm đường nông thôn

Ngày 09/08/2022
Giai đoạn 2016 - 2020, cùng với sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, đề án, dự án, huyện Văn Chấn đã vận động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động, hiến đất, chung sức mở đường bê tông, láng nhựa, bê tông nhựa được hàng trăm km đường nông thôn; sửa chữa, xây dựng mới hàng chục cầu treo... tạo điều kiện cho giao thương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lãnh đạo thị trấn Sơn Thịnh cùng Tổ trưởng dân phố Sơn Lềnh tuyên truyền,
vận động nhân dân trong tổ đóng góp công lao động, hoàn thiện 1 km đường mới được bê tông hóa

Để thực hiện tốt chương trình phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn, Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể, các địa phương; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào thi đua, gắn với các hoạt động thực tiễn để mọi người dân hiểu rõ, người dân là chủ thể, huy động nội lực từ cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ định hướng, hỗ trợ một phần, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thông qua tuyên truyền, nhận thức của cán bộ cơ sở, người dân được nâng lên; nhân dân các xã, thị trấn tích cực đóng góp tiền, công lao động, hiến đất, tháo dỡ các công trình xây dựng... để làm đường GTNT. Theo thống kê, tổng vốn đầu tư phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020 của huyện đạt 532 tỷ 092,9 triệu đồng. 

Trong đó, vốn Nhà nước đầu tư thông qua các chương trình, đề án, dự án là 427 tỷ 186 triệu đồng; nhân dân đóng góp 104 tỷ 906,9 triệu đồng cùng hàng vạn công lao động, hiến hàng nghìn mét vuông đất. Toàn huyện đã làm được trên 247,7 km đường bê tông xi măng, đường láng nhựa, đường bê tông nhựa; rải được 120,3 km đường cấp phối; tu sửa trên 2.029 km các tuyến đường liên thôn, bản; sửa chữa 26 công trình cầu treo, cầu giàn thép; xây mới và đưa vào sử dụng 19 công trình cầu bê tông cốt thép; xây mới trên 450 công trình cống thoát nước các loại... 

Phát huy kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu đến năm 2025, có 60% các tuyến đường liên thôn các xã vùng cao, đường cứng hóa bằng bê tông xi măng hoặc cấp phối theo tiêu chuẩn đường cấp A+B GTNT miền núi; 100% các tuyến đường xã, đường liên thôn thuộc các xã khu vực đồng bằng và vùng ngoài được cứng hóa bằng bê tông xi măng, nhựa, cấp phối theo tiêu chuẩn đường A GTNT; 100% các tuyến từ huyện đến trung tâm xã được cải tạo, nâng cấp đổ bê tông xi măng, láng nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp V giao thông nông thôn... 

Văn Chấn phấn đấu 100% các tuyến đường ô tô đi được 4 mùa và mục tiêu trước mắt là tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường đến trung tâm các xã như: Nậm Mười, Sùng Đô, Suối Quyền, An Lương; hoàn thiện một số tuyến đường giao thông mang tính chất kết nối như: đường quốc lộ 32 đến trung tâm xã Thượng Bằng La; đường trung tâm xã Tân Thịnh ra quốc lộ 32 và 37… 

Theo kế hoạch, năm 2022, huyện phấn đấu bê tông hóa từ 60 km đường GTNT trở lên, sửa chữa 3 công trình cầu treo, cầu giàn thép; xây mới từ 3 - 5 công trình cầu bê tông cốt thép, cầu bản mố nhẹ, công trình ngầm tràn liên hợp... 

Để tìm hiểu những công việc mà cán bộ, người dân trong huyện đang chung sức làm đường GTNT, chúng tôi về thăm tổ dân phố Sơn Lềnh, thị trấn Sơn Thịnh. 

Trên đường vào tổ dân phố Sơn Lềnh, ông Đào Duy Lâm - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sơn Thịnh thông tin nhanh: "Năm 2022, thị trấn được huyện phân bổ kiên cố 4 km đường bê tông xi măng, gồm các tuyến đường: tuyến từ quốc lộ 32 vào tổ dân phố Sơn Lềnh 1 km (vừa mới khánh thành ngày 1/6); đường tổ dân phố Suối Khoáng đi Văn Thi 1,5 km; đường tổ dân phố Thác Hoa 1 km; đường tổ dân phố Sơn Long 500 m. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2 tỷ đồng và đóng góp công san nền, đắp lề đường. Đến cuối năm nay, các tuyến đường trục chính và đường vào trung tâm các tổ dân phố của thị trấn Sơn Thịnh cơ bản được bê tông xi măng và nhựa hóa...”. 

Có mặt tại trung tâm tổ dân phố Sơn Lềnh - nơi có trên 99% đồng bào Mông sinh sống và được Tổ trưởng tổ dân phố Vàng A Chao trò chuyện về quá trình làm đường: tuyến đường từ quốc lộ 32 vào tổ dân phố Sơn Lềnh dài khoảng 2 km. Trước đây, tuyến đường này bà con đi lại rất lầy lội và nhiều đoạn xe máy phải cuốn xích vào lốp mới đi được. Do Sơn Lềnh vẫn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, nên được Nhà nước đầu tư làm 800 m đường từ gần chục năm nay, còn hơn 1 km phía bên trong này vẫn lầy lội. 

Năm nay, được Nhà nước đầu tư hỗ trợ vật liệu chính là xi măng, cát, sỏi để làm và ngay sau khi có chủ trương đầu tư, tổ đã tổ chức họp dân 3 lần để tuyên truyền, vận động các hộ ở mặt đường hiến đất mở rộng đường, thống nhất mức đóng góp với 87 hộ theo khẩu, mỗi khẩu 300.000 đồng (trừ những hộ thuộc diện bảo trợ xã hội không có khả năng lao động). 

Tổng số phải thu là 530 triệu đồng, nhưng do là tổ thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên thị trấn ưu tiên chỉ phải huy động dân đóng góp 120 triệu đồng tiền mặt và số còn lại UBND thị trấn vận động nhân dân các tổ khác ủng hộ giúp bà con Sơn Lềnh. Bà con rất phấn khởi khi được đi trên tuyến đường rộng 3,5 m, bê tông dày 18 cm. Hiện nay, bà con đang làm mùa và mấy hôm nữa công việc đỡ bận bịu, tổ sẽ huy động các hộ tham gia khoảng 1.000 công đắp nốt lề đường cho sạch, đẹp...

Sự chung sức, đồng lòng của người dân Văn Chấn về phát triển GTNT trong giai đoạn vừa qua, sẽ là tiền đề vững chắc để huyện tiếp tục vân động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối những tuyến đường giữa các xã vùng thấp với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Năm 2021, tổng vốn đầu tư cho phát triển GTNT trên địa bàn huyện đạt 100 tỷ 636 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư 49 tỷ 785 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 18.579 triệu đồng; nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hợp pháp khác và huy động nhân dân đóng góp 32.272 triệu đồng. Từ các nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư bê tông xi măng được 73,8 km đường GTNT; sửa chữa 5 công trình cầu treo; xây mới và đưa vào sử dụng 6 công trình cầu bê tông cốt thép; xây mới 1 cống tràn liên hợp... 

Nguồn: Báo Yên Bái