Bắc Ninh: Gỡ khó nguyên vật liệu cho các dự án giao thông

Ngày 15/08/2022
Cùng với những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sự biến động giá cả của các nguyên, vật liệu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, giá nguyên vật liệu tăng nhiều so với giá đấu thầu, trong khi văn bản công bố giá liên ngành giữa Sở Tài chính và Sở Xây dựng tỉnh chưa cập nhật kịp thời gây nhiều khó khăn cho nhà thầu.

Dự án Đầu tư xây dựng Đường tỉnh 278 đoạn từ QL.18 đến đê sông Cầu (huyện Quế Võ) được triển khai thi công từ tháng 12-2020; hiện liên danh nhà thầu đang đào, đắp cát nền đường K95 và hệ thống cống dọc đoạn tuyến từ Km0+80 đến Km0+540; đào nền đường từ Km1+900 về đầu tuyến và từ Km4+300 đến cuối tuyến. Đoạn từ Km1+900 đến Km2+335 đang thi công đắp cấp phối đá dăm loại II và hệ thống thoát nước dọc… Tuy nhiên, hiện tiến độ thi công đang khá cầm chừng do giá nhiên vật liệu (cát, đá, sỏi…) khan hiếm, tăng cao so với công bố giá của các cơ quan chức năng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vật liệu cho gói thầu.

Anh Nguyễn Văn Du, Chỉ huy trưởng công trình của nhà thầu thi công (Công ty CP TM&XD Tân Thành) cho biết: Hiện dự án đang trong quá trình thi công nền đường, nhà thầu chủ yếu sử dụng cát và đá để làm đường, từ khi đấu thầu công trình đến nay, giá cả nguyên vật liệu tăng gấp hơn 2 lần. Cụ thể, khi đấu thầu công trình năm 2020, nhà thầu đưa ra mức giá đấu thầu 100.000 đồng/m3 cát; đến nay, giá cát đến chân công trình có thời điểm lên đến 250.000-270.000 đồng/m3. Trong khi tại Bảng giá vật liệu xây dựng đến chân công tình tại khu vực trung tâm các huyện do liên Sở Tài chính-Xây dựng công bố tháng 7-2022 chỉ ở mức 155.000-168.000 đồng/m3; thời điểm trước (từ tháng 3 đến tháng 6-2022), giá cát san nền được công bố dao động từ mức 95.000đ-108.000đồng/m3; thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường và cũng thấp hơn giá công bố của các địa phương lân cận như Bắc Giang (từ 140.000-160.000đồng), Hải Dương (từ 149.000-162.000 đồng). Theo tính toán của nhà thầu, để hoàn thành đắp nền, riêng nguyên vật liệu cát để thi công và chi phí nhân công nhà thầu bị lỗ từ 1,5-2 tỷ đồng/km. Hơn nữa, do nguồn cung khan hiếm nên dù giá tăng khá cao, song nhiều thời điểm các nhà thầu cũng rất khó khăn để đưa cát, đá về công trình.

Thi công phần nền đường giao thông từ TL.277 đến khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, thành phố Từ Sơn.

Tương tự, dự án Đầu tư xây dựng Đường tỉnh 285B mới đoạn nối Quốc lộ 17 với Quốc lộ 38 trên địa bàn huyện Lương Tài cũng đang gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thiện 3 km đường gói thầu số 5, nhà thầu sẽ phải sử dụng hơn 50.000 khối cát và 30.000 khối đá; cùng với đó, giá bê tông nhựa asphant cũng tăng hơn cùng thời điểm năm trước khoảng 30%; chỉ làm phép tính riêng nguyên vật liệu cát và đá, bê tông nhựa để thi công, nhà thầu sẽ bị lỗ khoảng 10 tỷ đồng. Bởi vậy, nhà thầu đề nghị Hội đồng bồi thường GPMB huyện Lương Tài sớm phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng các đoạn còn lại; các cơ quan chức năng cập nhật giá vật tư theo giá sát thực tế để đỡ thiệt hại cho nhà thầu để nhà thầu có thể “dồn sức” thi công theo tiến độ đề ra.

Đánh giá về những khó khăn, nhất là việc nguyên vật liệu tăng giá, khan hiếm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh cho biết hiện nay, tiến độ các công trình giao thông trên địa bàn năm 2022 đang bị chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Trong tổng số vốn được giao theo kế hoạch là 1.185 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án Xây dựng Giao thông mới chỉ giải ngân đạt gần 20%. Sở dĩ các công trình giao thông thi công chậm do gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là, trong quá trình thi công các công trình gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân công lao động, nguồn cung cấp nguyên vật liệu khan hiếm, giá nguyên vật liệu tăng cao. Trong khi chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm 50 - 70% tổng giá trị dự toán công trình. Chỉ riêng sự thay đổi giá của một số vật liệu chủ yếu là đất, đá, cát, sỏi đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần, khiến các nhà thầu thi công cầm chừng.

Theo đại diện nhiều nhà thầu, những rủi ro mang tính khách quan từ những bất ổn không lường được trước thì việc điều chỉnh lại hợp lý, đúng quy định là hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy việc xác định định mức ban hành tiêu chuẩn về giá có yếu tố quyết định để các công trình không đáp ứng được tiến độ đề ra.

Thời gian tới, Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án phối hợp chính quyền địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu nhà thầu thực hiện nghiêm theo hợp đồng đã ký. Những đoạn đã có mặt bằng sạch thì tập trung thi công theo tiến độ đã cam kết. Song song với đó, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các ban ngành, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho nhà thầu; chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan đến thông báo giá sát với giá thị trường.

Nguồn: Báo Bắc Ninh