Phú Thọ: Giao thông nông thôn tạo đà cho phát triển kinh tế

Ngày 22/08/2022
Xác định giao thông nông thôn (GTNT) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, bằng nguồn ngân sách của tỉnh Phú Thọ và sự đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp cùng với lồng ghép các nguồn vốn khác, hàng ngàn km đường GTNT đã được làm mới.

Cùng với đường giao thông, các cây cầu trên tuyến như cầu Mỹ Thuận (Tân Sơn)
cũng được đầu tư, góp phần kết nối các vùng, miền trong tỉnh

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có trên 11.334km đường GTNT gồm các loại đường huyện, xã, trục thôn, ngõ xóm và trục chính nội đồng. Trong đó đã kiên cố hóa được gần bảy nghìn km phục vụ cho việc đi lại hàng ngày và làm ăn, sinh sống của người dân.

Theo kế hoạch kiên cố hóa đường GTNT giai đoạn 2017-2020, tỉnh sẽ làm mới gần hai nghìn km đường GTNT, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng và 50% cát, đá, sỏi với tổng kinh phí gần 4.200 tỉ đồng, còn lại huy động từ các nguồn đóng góp khác. Đến nay toàn tỉnh đã huy động được hàng trăm tỉ đồng do nhân dân đóng góp, trong đó đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất, hoa màu, tài sản, cây cối để làm đường GTNT. Từ đó nhiều tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện với các xã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, góp phần thúc đẩy kinh tế tại địa phương.

Tuy nhiên, do hệ thống GTNT rộng khắp, còn nhiều tuyến chưa vào cấp, đường đất chưa được cải tạo; bên cạnh đó thời tiết khắc nghiệt, mưa lớn, lũ quét, xe chở quá tải lưu thông còn nhiều... gây hư hỏng kết cấu hạ tầng GTNT, trở ngại cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, nhiều tuyến đường GTNT đã được nâng cấp phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất đã thúc đẩy KT-XH phát triển, khơi dậy tiềm năng của các vùng trước đây còn phát triển chậm như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập...

Qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Tân Sơn luôn xác định, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, trước hết phải ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Do vậy, những năm qua từ nhiều nguồn vốn, huyện Tân Sơn đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng GTNT. Nhờ sử dụng nguồn lực từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án 135, 30a, bình quân mỗi năm khoảng 100 tỉ đồng đầu tư cho giao thông, đồng thời huy động sự chung tay góp sức của người dân, những con đường mới mở ra, nối liền và thu hẹp khoảng cách giữa các xã, bản, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nông, lâm thủy sản của nhân dân trong vùng.

Xã Minh Đài là một trong những địa phương của huyện Tân Sơn thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, mà nổi bật là làm đường GTNT. Với chủ trương ưu tiên nguồn lực cho phát triển các công trình trọng điểm, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung chủ yếu vào đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Trong bảy năm xây dựng nông thôn mới (2011-2018), các hộ dân ở Minh Đài đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, hàng chục nghìn ngày công lao động và vật liệu thi công với tổng kinh phí gần ba tỉ đồng làm đường giao thông nông thôn. Đơn cử như tuyến đường nhựa nối ba xã Mỹ Thuận - Minh Đài- Văn Luông, bà con trong xã đã hiến 20.000m2 làm đường. Nhiều gia đình như ông Nguyễn Nhật Thành, bà Hà Thị Châu, ông Nguyễn Xuân Đức, mỗi hộ đã hiến gần 3.000m2 đất lúa, chè, cây ăn trái từ đời ông, cha để lại để làm đường. Nhờ đó, đường tới trường, lên đồi, ra đồng ngắn hơn và đẹp hơn… Đường đến đâu, diện mạo nông thôn đổi thay đến đó, hàng hóa nông sản được thông thương thuận lợi, bà con không ngừng mở rộng diện tích đất canh tác. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển ổn định, từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển một số sản phẩm chủ lực, mũi nhọn cho giá trị kinh tế cao như: Cây nguyên liệu, chè, bưởi, cam, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Chị Hà Thị Lan khu Minh Tâm cho biết: “Trước đây, chưa có đường bê tông, ngô, lúa chở về nhà gặp nhiều khó khăn, thương lái ép giá thu mua. Bây giờ nông sản chở được bằng xe lớn, tiết kiệm thời gian lại không mất nhiều công sức, việc thu hoạch nhanh, đảm bảo năng suất, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi”.


Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhiều tuyến đường

ở xã Yên Lãng (Thanh Sơn) được làm mới, góp phần đưa tỉ lệ kiên cố hóa đạt 70%

Xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn đường vào trung tâm xã mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ, liền kề hai bên là những con đường thôn xóm đã được bê tông hoá. Chính từ những con đường được xây mới, cải tạo kiên cố mà mạng lưới giao thông trong toàn xã đã được thông suốt, không chỉ giúp cho việc đi lại được thuận lợi mà còn mở ra hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Đồng chí Đinh Văn Tình - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngay từ khi bắt tay vào triển khai, xã đã xác định lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm. Trong đó, tập trung tạo sự đồng thuận, chỉ rõ những lợi ích mà người dân được hưởng và những việc dân cần làm. Đến nay tỉ lệ đường giao thông được kiên cố hóa đạt 70%, đây là kết quả của sự nỗ lực từ việc thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tại xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, hệ thống đường GTNT được đẩy mạnh đầu tư cứng hóa. Để bảo vệ đường GTNT, xã quy định đường liên thôn chỉ cho xe dưới tám tấn đi qua, các loại xe trên tám tấn không được lưu thông. Vì vậy, các gia đình ở xã làm nhà hoặc chở thức ăn gia súc, gia cầm đều phải bốc dỡ ngoài xóm. Không chỉ tự giác chấp hành quy định về tải trọng, người dân xã Xuân Thủy còn thường xuyên tổ chức, đắp lề đường, dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh. Xã quy định mỗi đoàn thể phụ trách một tuyến đường, các hộ dân tự giác bảo vệ các tuyến đường đi qua khu vực nhà mình. Mỗi tuần một lần các hộ cử người tham gia tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh trên các trục đường liên thôn và nội đồng. Nhờ ý thức tự quản cao của bà con trong xã, nhiều tuyến đường bê tông trên địa bàn xã Xuân Thủy luôn sạch - đẹp.

Tuy nhiên, do nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình phát triển GTNT còn gặp nhiều khó khăn, một số tiêu chí đạt thấp như: Làm tràn, đường huyện, duy tu; quy hoạch giao thông của các huyện, xã thiếu đồng bộ, không sát với thực tế nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông của địa phương. Việc đầu tư còn dàn trải, kết cấu công trình chưa đáp ứng được với nhu cầu vận tải. Việc quản lý công trình và bảo trì công trình sau khi đưa vào khai thác, sử dụng chưa được quan tâm đúng mức, nên một số công trình sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn bị xuống cấp. Một số tuyến đường chưa vào cấp, chưa đảm bảo yêu cầu về thoát nước, tầm nhìn, thiếu biển báo...

Nguyên nhân do mạng lưới GTNT rộng, khối lượng lớn, nguồn nội lực huy động còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mức thu nhập của nhân dân địa phương khác nhau: Các xã vùng sâu, vùng xa dân cư thưa, thu nhập thấp nên kết quả huy động trong dân còn hạn chế. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào kinh phí Nhà nước; có nơi sự tham gia của các đoàn thể chưa cao, việc xã hội hóa còn hạn chế, sự tham gia của các doanh nghiệp còn ít...

Nhằm tiếp tục đầu tư phát triển và quản lý hệ thống đường GTNT đảm bảo thông suốt, đồng bộ, góp phần hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, cùng với hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tạo điều kiện để người dân được sử dụng cơ sở hạ tầng tốt hơn, trở thành cầu nối giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu đến hết năm 2025, tỉ lệ kiên cố đường GTNT trên địa bàn tỉnh tối thiểu đạt 80%, trong đó ngân sách tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 70% tổng nhu cầu kinh phí về xi măng; phần kinh phí còn lại do UBND cấp huyện cân đối, bố trí và vận động nhân dân đóng góp.

Nguồn: Báo Phú Thọ