Xuân Trường (Nam Định) tập trung giải toả vi phạm hành lang ATGT đường bộ

Ngày 29/08/2022
Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 24/6/2022 của UBND tỉnh; nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đê giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, vỉa hè đô thị, góp phần đảm bảo “đường thông, hè thoáng” giao thông thông suốt, thuận lợi, hạn chế nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, UBND huyện Xuân Trường đã xây dựng kế hoạch giải tỏa, lập lại trật tự hành lang ATGT gắn với hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, vỉa hè đô thị năm 2022 trên địa bàn huyện.

Thi công dự án đường Phú - Đài (đoạn từ tỉnh lộ 489 đến huyện lộ Bắc - Phong - Đài)
góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội huyện Xuân Trường

Theo Kế hoạch, huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang ATGT đường bộ gắn với hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, vỉa hè đô thị. Kiên quyết xử lý, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với phương châm chủ động, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp giải tỏa các vi phạm trật tự ATGT trên đường bộ và hành lang, đảm bảo “đường thông, hè thoáng” và vệ sinh môi trường. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải tỏa vi phạm, chống tái chiếm, lập lại trật tự hành lang ATGT gắn với hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, vỉa hè đô thị.

Huyện chỉ đạo các phòng chức năng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không đổ vật liệu, rác thải trên vỉa hè, lòng đường; phát quang cây cối ven đường làm ảnh hưởng tầm nhìn của người tham gia giao thông; tự giác tháo dỡ các trường hợp vi phạm cơi nới xây dựng lều quán, mái che, mái vẩy trên hành lang đường bộ để bày bán hàng hóa, đặt biển quảng cáo trái phép, rửa xe trên vỉa hè, đặc biệt là các tụ điểm bán hàng không đúng quy định... “trả lòng đường cho phương tiện tham gia giao thông, trả vỉa hè cho người đi bộ”. Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê hiện trạng vi phạm như: họp chợ, tập kết bày bán nguyên vật liệu, hàng hóa, biển hiệu quảng cáo, mái che di động và cố định, tổ chức dịch vụ rửa xe, để xe, trông giữ xe… trong phạm vi lòng, lề đường, vỉa hè, rãnh thoát nước; xây dựng các tấm trượt, đổ bê tông trên các vỉa ba toa làm đường lên xuống trái phép. Xây dựng nhà ở, ki-ốt, lều quán, tường bao ngoài phạm vi đất được công nhận sử dụng hợp pháp.

UBND huyện xác định các khu vực trọng điểm vi phạm hành lang ATGT đường bộ cần tập trung giải tỏa ngay gồm: Chợ cóc khu vực Công ty Cổ phần May Sông Hồng và đường 32m đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (chân cầu Lạc Quần) đến cầu Trung Linh thuộc địa phận thị trấn Xuân Trường và xã Xuân Kiên; đoạn từ Trường THPT Cao Phong đến cống Đầm Sen của tỉnh lộ 489 địa phận các xã Xuân Thượng, Xuân Hồng, Xuân Ngọc và thị trấn Xuân Trường; các hộ bày bán hàng tại khu vực trước cổng Công ty TNHH DT Xuân Trường; hai bên mố cầu Nam Điền A; các vị trí tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng trên tỉnh lộ 489C đoạn qua xã Xuân Ngọc; các vi phạm trên tuyến tỉnh lộ 488 đoạn từ cầu 50 đến cầu chợ Láng thuộc địa phận các xã Xuân Thượng, Xuân Thủy, Xuân Phong, Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Tân; vi phạm trên tuyến đường Xuân Thủy - Nam Điền đoạn qua các xã Xuân Bắc, Xuân Phương, Xuân Trung; các vị trí đặt các kiện gạch, cọc bê tông đúc sẵn trên vỉa hè đường và bờ kênh Trung Linh - Phú Nhai đoạn từ cống Trung Linh đến Công ty Da giày Hồng Việt; khu vực các chợ xã Xuân Hồng, Xuân Ngọc, Xuân Kiên, Xuân Tiến, Xuân Trung, Xuân Thành, Xuân Đài; các vị trí bày bán hàng tại nút giao đường Phú Thọ Đài với đường qua UBND xã Thọ Nghiệp; các vị trí ngã ba, ngã tư, đường liên xã, trục xã có cây cối che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông…

UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm tự giác tháo dỡ, giải tỏa hành lang ATGT đường bộ ở tất cả các tuyến đường trên địa bàn quản lý. Trường hợp cố tình không trả lại mặt bằng thì tiến hành xử lý hàn chính, đồng thời tổ chức cưỡng chế, giải tỏa trong phạm vi hành lang ATGT gắn với hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, vỉa hè đô thị.

Đối với những vi phạm có tính chất tạm thời như: đặt biển quảng cáo di động, bàn ghế, mái che di động, ô dù, điểm rửa xe, họp chợ, đặt các kiện gạch, cọc bê tông đúc sẵn, để nguyên vật liệu,... nếu người dân không tự giác giải tỏa, di dời thì tiến hành thu giữ, xử lý theo quy định.

Đối với những vi phạm có tính chất kiên cố như làm nhà ở, ki-ốt, mái che cố định, tường bao, biển hiệu, biển quảng cáo cố định, nếu người dân không tự giác tháo dỡ sẽ tổ chức cưỡng chế.

Qua rà soát, thống kê đã xác định có 615 trường hợp vi phạm trên địa bàn 20 xã, thị trấn trong huyện. Các xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động các hộ vi phạm tự giác tháo dỡ, giải toả các vi phạm; tiến hành phát quang cây cối che khuất tầm nhìn trên các tuyến đường. Tiêu biểu như xã Thọ Nghiệp đã giải toả 15 điểm tập kết vật liệu xây dựng trái phép, tháo dỡ 25 ô dù che nắng bán hàng sai quy định, phát quang cây cối ven đường từ cầu Đò cũ về xóm 1; xã Xuân Ninh có 9 trường hợp vi phạm đã tự giác tháo dỡ; xã Xuân Châu đã cắt tỉa, phát quang cây cối trên tổng chiều dài 3km đường đê và 3km đường trục xã; xã Xuân Phú có 4 hộ đã tự giác tháo dỡ mái che đua ra đường…

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, việc triển khai thực hiện kế hoạch giải toả vi phạm hành lang ATGT đường bộ của các xã, thị trấn còn mang tính hình thức, nhiều địa phương chưa thành lập tổ công tác rà soát, xử lý vi phạm, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Một số cơ quan, đơn vị chưa có sự phối hợp, chưa chủ động tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các địa phương.

Từ đánh giá trên, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn thành lập ngay các tổ (trong đó giao cho lực lượng công an làm nòng cốt) tiến hành rà soát, thống kê, phân loại các vi phạm (đối với các địa phương chưa triển khai). Trên cơ sở đó, chỉnh sửa, hoàn thiện kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT gắn với hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, vỉa hè đô thị trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh địa phương về đợt cao điểm giải tỏa hành lang ATGT gắn với hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, vỉa hè đô thị trên địa bàn đến các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu tại khu trung tâm, nhất là đối với một số xã phát sinh nhiều vi phạm phức tạp, nổi cộm như: Xuân Hồng, Xuân Tiến, Xuân Kiên, Xuân Ninh, thị trấn Xuân Trường; gửi thông báo trực tiếp đến từng tổ chức, cá nhân có vi phạm, trong đó yêu cầu các hộ vi phạm tự giác tháo dỡ, giải tỏa… để góp phần đảm bảo trật tự ATGT, hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn.

Nguồn: Báo Nam Định