Hà Nội phấn đấu vận tải công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu vào 2025

Ngày 06/09/2022
Theo Kế hoạch, giai đoạn từ năm 2022-2025, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân.

Ha Noi phan dau van tai cong cong dap ung 30-35% nhu cau vao 2025 hinh anh 1
Các xe buýt vào đón, trả khách tại trạm chờ
trên đường Nguyễn Trãi. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ "Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Kế hoạch, giai đoạn từ năm 2022-2025, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân.

Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020; giảm 7-10 điểm ùn tắc mỗi năm.

Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân thành phố huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông tiến tới xây dựng Thủ đô có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường…

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp gồm đầu tư kết nối, khép kín các tuyến đường vành đai; các trục hướng tâm, các trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống các cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm, nút giao khác mức; các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông…

Bên cạnh đó, triển khai rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp…/.

Nguồn: TTXVN