An Giang: Cầu đường nông thôn thay đổi vùng quê

Ngày 07/09/2022
Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1832-2022), nhiều địa phương ở huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đăng ký xây dựng mới cầu, đường nông thôn. Các công trình này mang tính thiết thực, được nhân dân ủng hộ, nối tiếp bước tiến của quê hương trên chặng đường xây dựng và phát triển.

Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, xã Hiệp Xương không ngừng huy động sức dân, tiếp tục thực hiện các công trình dân sinh, nâng cao chất lượng đời sống. Giáp với 6 xã lân cận, đất tự nhiên trên địa bàn chia làm 4 cù lao, người dân chủ yếu đi lại bằng xuồng ghe. Từ những năm khởi đầu xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Hiệp Xương xác định một trong những tiêu chí cần thực hiện mang tính cấp bách là giao thông.

Liên tiếp cầu bê-tông cốt thép “mọc” lên, thay thế cầu ván cũ. Trong đó, nhiều cây cầu mang vai trò kết nối giao thông quan trọng, như cầu Trường B (xây dựng năm 2021) nối liền tuyến đường Đông Cái Đầm và Tây Cái Đầm, giữa xã Hiệp Xương và Bình Thạnh Đông. Mới đây, xã tiếp tục hoàn thành cầu bê-tông Trường C, nối liền đôi bờ ấp Hiệp Thạnh và Hiệp Hưng. Toàn bộ kinh phí xã hội hóa, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh tài trợ.

Nhiều cầu nông thôn mới được hoàn thành trên huyện cù lao

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Hiệp Xương Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết, so với mặt bằng chung của huyện, nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông cần tiếp tục đầu tư nâng cấp. Đặc thù kênh mương chằng chịt, dân cư sống tập trung theo tuyến, việc đầu tư phát triển hệ thống cầu rất tốn kinh phí.

Trong khi đó, số cầu gỗ còn lại trên địa bàn xã đang ngày càng xuống cấp, ngân sách đầu tư xây dựng có hạn… Cầu Trường C xây dựng từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 7/2022, dự kiến chi phí hơn 1,3 tỷ đồng. Do giá vật tư tăng đột xuất, phát sinh thêm dầm xây dựng, địa phương tiếp tục vận động tăng lên 2,1 tỷ đồng. Các nhà tài trợ, nguồn lực trong và ngoài xã khẩn trương thi công để cây cầu hoàn thành sớm hơn 2 tháng.

Ông Nguyễn Hải Quân (Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp) cho hay, nhiều năm trước, An Giang đã hỗ trợ Đồng Tháp cất 6 cầu dây. Từ khi chủ trương xây cầu bê-tông hóa được đẩy mạnh, tỉnh Đồng Tháp “trả công” cho An Giang bằng việc hỗ trợ xây cầu mới, tập trung nhiều tại huyện Chợ Mới và Phú Tân.

“Mới đây nhất là cầu An Yên tại thị trấn Phú Mỹ. Kế đến là tại xã Phú An và Hiệp Xương. Tôi nhìn những cây cầu mới do nhân dân xây dựng, càng về sau càng đẹp hơn so với trước, vừa chú trọng chất lượng, vừa chắc, đẹp. Cầu rộng, kiên cố giúp sử dụng lâu dài, phát triển đời sống nhân dân” - ông Hải Quân chia sẻ.

Với mong muốn tạo sức bật cho vùng quê vươn lên, đầu năm đến nay, các xã vùng sâu của huyện Phú Tân nỗ lực vận động, dồn sức xây dựng nhiều cầu giao thông mới. Điển hình là cầu Tây Phát bắc ngang kênh Phú Lạc, kết nối giao thông bờ Ấp Phú Tây (xã Phú Long) và ấp Hòa Phát (xã Phú Hiệp). Cầu được xây dựng tổng kinh phí hơn 825 triệu đồng, khánh thành và đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, vui mừng của chính quyền, đông đảo người dân, hoàn toàn xã hội hóa.

Ông Hà Quốc Thạnh (người dân xã Phú Long) bày tỏ, giữa đôi bờ xã Phú Long và Phú Thành, trước đây có cầu cũ nhưng bề ngang nhỏ, xuống cấp, việc giao thương nông sản rất khó khăn. Xây dựng được cây cầu mới, chính quyền và nhân dân 2 xã rất phấn khởi, giải quyết nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân tốt hơn, đạt được ước mơ lâu nay.

Nối tiếp công trình trên, xã Phú Long và Phú Thành cùng khởi công cầu ranh Phú Thành - Phú Long, nối liền đôi bờ kênh Thần Nông. Cầu được xây dựng bằng bê-tông, cốt thép, chiều dài 43m, rộng 3,5m, tải trọng 8 tấn, tổng kinh phí xây dựng trên 750 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa nhà hảo tâm và nhân dân trên địa bàn 2 xã đóng góp. Dự kiến trong tháng 9/2022, cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đây đồng thời là công trình 2 địa phương phối hợp thực hiện để chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang. Theo ông Phạm Hồng Tâm (người dân xã Phú Thành), tại vị trí cầu ván cũ, mặt cầu thường bị hư hỏng, bề ngang hẹp, đi lại rất khó khăn. Chưa kể, phía bờ tây lâu nay sản xuất nông nghiệp bị thiệt thòi, do thiếu cầu kết nối vận chuyển, thương lái ít đến hơn. Địa phương còn nhiều khó khăn, cách xa trung tâm huyện, chủ yếu dựa vào nghề nông. Nhưng giờ đây có thể cất được cây cầu giải quyết cho phương tiện giao thông đi lại dễ dàng, giao thương rộng rãi… người dân rất sẵn lòng đóng góp kinh phí lẫn ngày công lao động.

Có thể thấy, nhờ sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền địa phương và nhân dân, sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, với mục tiêu xây dựng nông thôn đổi mới từng ngày, các cây cầu bê-tông kiên cố đã và đang góp phần làm “điểm nhấn” trong vùng quê cù lao Phú Tân.

Nguồn: Báo An Giang