Bắc Kạn: Mở đường lâm nghiệp, mở hướng phát triển kinh tế rừng bền vững

Ngày 12/09/2022
Mỗi tuyến đường lâm nghiệp được mở giúp việc trồng, chăm sóc, khai thác rừng của người dân thuận lợi hơn, giá trị của những cánh rừng trồng được nâng lên. Nhìn thấy lợi ích này, huyện Bạch Thông tập trung vận động người dân tự nguyện hiến đất để phục vụ thi công các tuyến đường lâm nghiệp theo dự án chung của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.

Nhà thầu đang tập trung thi công tuyến đường
lâm nghiệp vào thôn Bó Lịn, xã Vi Hương (Bạch Thông)

Thôn Nà Ngăm, xã Cẩm Giàng có 57 hộ dân, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào trồng rừng. Hơn 10 năm trước, gia đình Trưởng thôn Nông Thị Huyền Thanh đã đầu tư trồng rừng tạo sinh kế bền vững, nhưng đến tuổi khai thác do không có đường giao thông nên giá trị rừng trồng rất thấp, thậm chí là khó bán.

Chị Thanh nhẩm tính: "Mỗi héc ta rừng mỡ trồng từ 8 - 10 năm nơi khác thường bán được từ 80 - 100 triệu đồng, nhưng ở Nà Ngăm vì không có đường vận chuyển nên gia đình chỉ bán được 45 triệu đồng/ha. Tính ra, bán 3ha rừng trồng gia đình chịu thiệt hơn 100 triệu đồng. Tiếc lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, rừng đến tuổi phải khai thác để trồng lứa mới".

Không chỉ gia đình trưởng thôn, nhiều hộ dân Nà Ngăm cũng luôn "xót của" mỗi khi khai thác bán rừng trồng với giá thấp chỉ vì không có đường vận chuyển. Bởi thế, nhận được thông tin tỉnh có chủ trương mở đường lâm nghiệp vào khu sản xuất của thôn, người dân Nà Ngăm vô cùng phấn khởi, chẳng cần vận động nhiều, các hộ dân đều tự nguyện hiến đất để mở đường, tiêu biểu như hộ Đinh Quang Duy, Hoàng Văn Trực hiến cả nghìn mét vuông...Nhờ được giao mặt bằng sớm nên đến nay nhà thầu đã thi công được khoảng 50% và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Tuyến đường lâm nghiệp vào khu sản xuất của người dân thôn Bó Lịn, xã Vi Hương có chiều dài 2km, được xây dựng trên nền đường cũ. Để thực hiện theo dự án được phê duyệt cần mở rộng nền đường 4,5m. Đa số các hộ dân trong thôn đều hào hứng hiến đất để đơn vị thi công thực hiện. Có một số hộ dân không đồng ý hiến thêm đất, cán bộ thôn, xã đã kiên trì vận động phục vụ lợi ích chung của Nhân dân.

Ông Phùng Đức Tuấn, Trưởng thôn Bó Lịn: Mở đường vào khu sản xuất là nguyện vọng thiết tha của rất nhiều hộ dân trong thôn vì nó giúp việc trồng, chăm sóc, khai thác và vận chuyển lâm sản của bà con thuận lợi hơn. Hi sinh lợi ích cá nhân ngày hôm nay để mở đường sẽ mang lại những giá trị lâu dài trong phát triển kinh tế rừng của cả cộng đồng. Chúng tôi tuyên truyền như thế đến bà con và được đa số đồng tình ủng hộ.

Giai đoạn 2021 - 2025, xã Tân Tú sẽ được đầu tư mở 05 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài khoảng 17km, góp phần phát triển bền vững và nâng cao giá trị kinh tế cho hàng trăm héc ta rừng trồng của địa phương. Là dự án không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng mà hoàn toàn do người dân tự nguyện hiến đất. Tuyên truyền, vận động để người dân nắm bắt chủ trương, đồng tình ủng hộ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Tú Nguyễn Đức Chung cho biết: "Việc mở những tuyến đường lâm nghiệp là rất cần thiết, mang lại những lợi ích lâu dài, bền vững cho phát triển kinh tế rừng của địa phương. Đa số hộ dân đều nhận thấy lợi ích và đồng tình hiến đất mở đường lâm nghiệp vào các khu sản xuất. Tuy nhiên, số ít hộ vì phải hiến diện tích lớn nên có đôi chút băn khoăn, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các thôn phải kiên trì vận động, thuyết phục để bà con đồng thuận".

Ước tính, mỗi năm huyện Bạch Thông khai thác khoảng 200ha rừng, với trên 20.000m3 gỗ, giá trị trên 20 tỷ đồng. Việc khai thác gỗ rừng trồng ở không ít địa phương của huyện Bạch Thông gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, giao thông trở ngại. Một số người dân đã chủ động mở các tuyến đường lâm sinh vào khu sản xuất nhưng quy mô nhỏ.

Theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bạch Thông được đầu tư mở 17 tuyến đường lâm nghiệp tập trung tại các xã có diện tích rừng trồng lớn gồm: Đôn Phong, Quang Thuận, Lục Bình, Quân Hà, Vi Hương, Tân Tú, Cẩm Giàng và Nguyên Phúc với tổng chiều dài 44km, trong đó có 13 tuyến thuộc giai đoạn I với chiều dài hơn 30km. Đây là dự án có đa mục đích, hướng tới góp phần phát triển kinh tế rừng bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Bạch Thông nói riêng.

Để bảo đảm tiến độ, cùng với trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị nhà thầu thì vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cần được đề cao hơn. Nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng tình tiếp tục hiến đất, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công mở các tuyến đường lâm nghiệp phục vụ lợi ích cộng đồng./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn