Nghệ An: Không giao xe cho học sinh khi chưa đủ tuổi được phép điều khiển phương tiện giao thông

Ngày 13/09/2022
Không giao xe cho học sinh khi chưa đủ tuổi được phép điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nội dung cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông.

Ngoài ra, Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành Kế hoạch số 228/KH-ATGT ngày 29/8/2022 về triển khai các hoạt động tuyên truyền “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường - tháng 9 năm 2022” cũng sẽ cập nhật nhiều nội dung khác cần phổ biến tới từng học sinh.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền

Ngay trong ngày khai giảng năm học mới 2022 - 2023, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã bố trí nhiều tổ công tác đến các điểm trường đóng trên địa bàn dọc tuyến Quốc lộ 48, 48D để phân luồng, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thông suốt, an toàn cho học sinh đến trường dự lễ khai giảng. Đồng thời, đội cử cán bộ đến các điểm trường để tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Tại Trường THCS Đông Hiếu, các em học sinh đã được lực lượng Cảnh sát giao thông tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, tập trung vào kỹ năng tham gia giao thông như: Các biển báo và tín hiệu đèn giao thông; kiến thức pháp luật về an toàn giao thông đường bộ; các nguy cơ mất an toàn giao thông và biện pháp phòng tránh... Em Nguyễn Văn Hải, học sinh lớp 8 cho biết: “Về cơ bản, chúng em đều biết các quy định, nhưng cũng có những lúc chưa tự giác thực hiện dẫn đến vi phạm. Bởi vậy, theo em việc tuyên truyền, nhắc nhở là rất cần thiết”.

Công an TP. Vinh tuyên truyền Luật Giao thông
đường bộ tại Trường THPT Lê Viết Thuật

Đại úy Võ Ánh Hào - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 cũng cho biết: “Đây là hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp luật nói chung và pháp luật về giao thông nói riêng, qua đó, hình thành ý thức tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật cho mỗi học sinh khi tham gia giao thông, góp phần tạo môi trường giao thông trật tự, an toàn, là cơ sở để từng bước hình thành “văn hóa giao thông”. Thời gian tới, Đội tiếp tục phối hợp với Ban Giám hiệu các trường để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các em học sinh bằng nhiều hình thức, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa…”

Tương tự, Đại úy Hàn Quốc Huy - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP. Vinh cho hay: “Trên cơ sở triển khai thêm mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, bắt đầu từ ngày 12/9, đội sẽ phối hợp với các trường học để tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh kỹ năng tham giao giao thông an toàn nhằm nâng cao nhận thức cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Đồng thời, qua đó các em sẽ là những tuyên truyền viên đến bạn bè, gia đình và người thân”.

Cần sự phối hợp kiểm soát, xử lý

Theo lực lượng chức năng, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mỗi học sinh khi tham gia giao thông là rất cần thiết. Bởi dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số vụ TNGT liên quan đến học sinh, theo công an các địa phương, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông vẫn còn nhiều. Trong đó, còn tình trạng học sinh THPT, thậm chí cả THCS sử dụng xe máy trên 50 cm3 để tham gia giao thông. Nhiều em điều khiển phương tiện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chở 3, phóng nhanh, đi hàng ngang...

Đơn cử mới đây, vào khoảng 23h30 ngày 28/8, Công an huyện Quế Phong nhận được tin báo của quần chúng về việc có một nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe máy tụ tập, cổ vũ đua xe, bốc đầu, lạng lách, đánh võng, gây mất an toàn giao thông, an ninh, trật tự trên tuyến Quốc lộ 16 thuộc địa phận thị trấn Kim Sơn. Bằng biện pháp nghiệp vụ điều tra xác minh, sáng 29/8, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đã mời 10 đối tượng, phần lớn là học sinh, trú tại các xã Mường Nọc, Châu Kim, Thông Thụ, Cắm Muộn, thị trấn Kim Sơn đến trụ sở công an làm rõ vụ việc. Tại đây, các đối tượng đã thừa nhận hành vi sai phạm. Lực lượng chức năng cũng đã xử lý hành chính về lỗi giao xe cho trẻ vị thành niên; tạm giữ 4 xe máy và 4 dao kiếm, mác, tuýp.

Lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP. Vinh cũng cho biết: Cùng với phối hợp các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông vào đầu năm học, trong công tác xử lý, CSGT thành phố còn phối hợp với phụ huynh để giáo dục các em. Riêng từ đầu năm đến nay đã phối hợp xử lý 10 trường hợp vi phạm.

Về phía các trường, không ít giáo viên cho rằng, dù trường nghiêm cấm học sinh đi xe máy trên 50 cm3, nhưng trên thực tế vẫn có học sinh sử dụng phương tiện xe máy để đi lại. Tương tự, việc học sinh không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... cũng rất khó kiểm soát, bởi có những em ra, vào cổng trường vẫn đội mũ bảo hiểm nhưng sau đó lại tháo ra. Mặt khác, nếu như trước đây lực lượng chức năng còn gửi thông báo học sinh vi phạm Luật Giao thông cho nhà trường để có biện pháp răn đe giáo dục nhưng hiện do có nhiều ý kiến phản đối, không đồng thuận từ phía phụ huynh, học sinh nên vấn đề này đã dừng thực hiện từ năm ngoái, bởi vậy cũng rất khó.

Ông Phan Huy Chương - Phó trưởng Ban Chuyên trách, Ban ATGT tỉnh cho biết: Để góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi người, nhất là lứa tuổi học sinh trong xây dựng văn hóa giao thông, ngày 29/8, Ban ATGT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-ATGT về Triển khai các hoạt động tuyên truyền “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường - tháng 9 năm 2022”.

Cụ thể, trong tháng 9, Ban ATGT tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Tuyên truyền “An toàn giao thông cho học sinh đến trường” tại Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh), THPT Cửa Lò (TX. Cửa Lò); Chương trình “Thanh, thiếu niên xây dựng văn hóa giao thông an toàn” năm 2022 tại huyện Tân Kỳ; Chương trình “Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt” năm 2022 tại Diễn Châu…

Theo đó, Ban ATGT tỉnh chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan ngoài xây dựng kịch bản tuyên truyền gồm các tiểu phẩm về an toàn giao thông, tuyên truyền kỹ năng tham gia giao thông an toàn và tổ chức thi đi sa hình… Cùng với đó, tổ chức ký cam kết giữa nhà trường, gia đình và học sinh về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT trong tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Có thể thấy, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông là do ý thức của học sinh chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ, trong khi nhà trường rất khó quản lý, kiểm soát hành vi của các em ở ngoài giờ học. Bởi vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng, cần đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nhất là bằng các mô hình trực quan sinh động để các em nâng cao ý thức, từ đó chấp hành các quy định về Luật Giao thông. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần tăng cường kiểm soát con em, tuyệt đối không giao xe cho các em với bất kỳ lý do gì khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.

Nguồn: Báo Nghệ An