Hà Nam: Thành phố Phủ Lý khai thác các nguồn vốn nâng cấp đường giao thông

Ngày 20/09/2022
Những năm qua, cùng với quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, TP Phủ Lý đã huy động nguồn lực hỗ trợ lắp đặt đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường nội và ngoại thị.

Nhờ đó, các tuyến đường sau khi được làm mới, cải tạo, nâng cấp không những bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) mà còn tiêu thoát nước kịp thời, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo đề án điều chỉnh quy hoạch chung TP Phủ Lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy hoạch hệ thống cầu, các tuyến đường bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuyến đường D4 kết nối từ Đường Lê Lợi
đến Đường Lê Duẩn đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Phủ Lý cho biết: Riêng các dự án do Ban quản lý, từ nay đến hết năm 2022 sẽ tập trung hoàn thành 10 dự án với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng, trong đó nâng cấp mặt đường một số tuyến ngõ, cải tạo hệ thống cống thoát nước mặt đường Quy Lưu và lắp đặt bổ sung đèn đường chiếu sáng một số đoạn thuộc tuyến Đường Lý Thái Tổ, QL 1A (đoạn từ đầu cầu Kim Bình đến địa phận thị xã Duy Tiên) và Đường Trần Thị Phúc, Trường Chinh...

Ngoài ra, Ban còn phối hợp với các đơn vị thu hồi đất xây dựng đường dẫn và cầu vượt đường sắt từ Đường Đinh Tiên Hoàng – Lê Duẩn nhằm giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Cầu có chiều dài 290m, rộng 18,5m với tổng kinh phí xây lắp khoảng 250 tỷ đồng, dự kiến khởi công Quý II/2023. 

Được biết, trong giai đoạn từ năm 2023 - 2025, UBND TP Phủ Lý sẽ tiếp tục khai thác các nguồn vốn để hoàn thiện một số dự án chưa hoàn chỉnh nhằm kết nối giao thông đồng bộ và đẩy nhanh việc xây dựng, nâng cấp, khơi thông rãnh thoát nước ven các tuyến đường, ngõ phố. Riêng với hệ thống điện chiếu sáng tại một số tuyến đường trục chính ở các xã, phường sẽ được thực hiện theo các dự án công trình chiếu sáng, hoặc dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, ngõ. Còn đối với các ngõ, ngách ngắn hoặc ít dân cư, thành phố quan tâm đầu tư khi có điều kiện về nguồn lực bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và chỉnh trang đô thị. 

Mặc dù thành phố đã và đang nỗ lực khai thác các nguồn vốn để nâng cấp nhiều tuyến giao thông, nhưng so với yêu cầu thực tế, Phủ Lý vẫn cần rất nhiều nguồn lực để hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị, mặt đường giao thông và lắp đặt hệ thống cảnh báo ATGT.

Đơn cử, dự án cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường giao thông ở thôn Quan Nha (xã Tiên Hải) đã được UBND thành phố chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 6238/QĐ-UBND ngày 23/12/2021 nhưng đến nay chưa được thực hiện. Được biết, đây là dự án do UBND xã làm chủ đầu tư với các hạng mục: nâng cấp, cải tạo mở rộng mặt đường, lắp đặt điện chiếu sáng và xây dựng rãnh thoát nước dọc các tuyến đường trong khu dân cư ra hệ thống kênh tiêu trên địa bàn. Theo đánh giá của ngành chức năng, khi dự án hoàn thành sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm nhu cầu đi lại, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Còn tại phường Liêm Chính, hiện nay hệ thống tiêu thoát nước ở một số khu đô thị trên địa bàn đang bộc lộ những tồn tại và không bảo đảm kết nối đồng bộ về tiêu thoát nước trong khu vực.

Với Khu đô thị Nam Châu Giang (Minh Khôi), theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đấu giá quyền sử dụng đất vị trí 1 có tuyến giao thông hiện trạng giao cắt với các tuyến đường quy hoạch tại ngã tư không bảo đảm ATGT. Chính vì thế, trong quá trình khai thác đã điều chỉnh hướng tuyến vào sát Nhà văn hóa Tổ dân phố Thá. Vì vậy, để lưu thông thuận tiện và bảo đảm ATGT, cần hoàn thiện xây dựng tuyến đường quy hoạch phía trước nhà văn hóa, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại một số ngõ của Tổ dân phố Thá, cụm đèn tín hiệu giao thông tại ngã 5 Minh Khôi và khu đường gom về Nhà văn hóa Tổ dân phố Mễ Nội.

Còn tại ngã tư giao cắt giữa tuyến đường huyện (ĐH) 03 với Quốc lộ (QL) 21B (đường Phủ Lý - Mỹ Lộc) qua địa bàn xã Liêm Tiết, bà Lê Thị Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tại đây, do không có đèn tín hiệu giao thông, nên thường xảy ra va chạm giữa các phương tiện mỗi khi qua đường. Tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông gia tăng ở mọi thời điểm, song người điều khiển phương tiện từ trong làng đi ra không chú ý quan sát từ hai phía, vì thế thường xảy ra tai nạn. Thời gian qua, nhân dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị các cấp, ngành lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Nguồn: Báo Hà Nam