Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đường bộ cao tốc, đường sắt và hàng không với Việt Nam

Ngày 20/09/2022
Sáng 20/9/2022, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã có buổi tiếp và làm việc với nguyên Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản Izumi Hiroto, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Ishizaka Satoshi, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cùng đoàn doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm vui mừng về sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
trong hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa

Chào mừng Đoàn đến thăm và làm việc với Bộ GTVT Việt Nam, Thứ trưởng bày tỏ vui mừng về sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa. Hợp tác giữa hai quốc gia không ngừng được bồi đắp thông qua trao đổi đoàn các cấp và các chương trình giao lưu văn hóa. Trong lĩnh vực thương mại, bất chấp đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 vẫn đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cảm ơn Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản
đã nỗ lực hỗ trợ cho sự phát triển của ngành GTVT Việt Nam

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cảm ơn Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình đã nỗ lực hỗ trợ cho sự phát triển của ngành GTVT Việt Nam và các dự án GTVT sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam. Các dự án hạ tầng GTVT do Nhật Bản tài trợ thông qua JICA đều là các dự án lớn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi diện mạo giao thông và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Ông Izumi Hiroto đã chia sẻ những thành quả mà Nhật Bản đạt được tại nhiều thành phố trong việc phát triển đô thị, từ đó góp phần phát triển kinh tế. Nhật Bản mong rằng những thành phố này sẽ là những mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo.

Ông Izumi Hiroto thông tin về những thành quả mà Nhật Bản đạt được trong việc
 phát triển hạ tầng và muốn chia sẻ những kinh nghiệm đó với Việt Nam

“Từ 2013, Nhật Bản có chính sách giới thiệu việc đưa công nghệ vào phát triển hạ tầng ra thế giới. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường, việc giảm CO2 và khí thải ra môi trường (mục tiêu là đến năm 2030 giảm khí thải ròng của Nhật Bản về 0, được biết Việt Nam đặt mục tiêu giảm khí thải bằng 0 vào năm 2050). Vì vậy, Nhật Bản rất mong có thể trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam để có thể đưa mức giảm khí thải về 0” ông Izumi Hiroto nói và hy vọng buổi trao đổi hôm nay hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy những quan hệ giữa 2 quốc gia trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng GTVT.

Cũng tại buổi làm việc, Công ty INDEX, Công ty thiết kế Azusa Sekkei và Công ty thiết kế Yasui Sekkei đã chia sẻ về kinh nghiệm thực tế cũng như mong muốn có được những mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh của họ như: phát triển đường cao tốc, thiết kế, thi công các dự án cảng hàng không và đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Công ty INDEX, Công ty Azusa Sekkei, Công ty Yasui Sekkei nói riêng đối với các lĩnh vực giao thông của Việt Nam.

Thứ trưởng cũng chia sẻ về những định hướng của Việt Nam đối với những lĩnh vực mà phía Nhật Bản quan tâm.

Hiện Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đang được Bộ GTVT giao Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) – chủ đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án nghiên cứu, đề xuất các phương án đầu tư mở rộng Dự án. Thứ trưởng đề nghị INDEX tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với VEC trong quá trình nghiên cứu để có các đề xuất phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.

Bộ GTVT đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, trong đó có chú trọng tới việc kêu gọi đầu tư mở rộng, tăng cường năng lực tiếp nhận của các Cảng HKQT quan trọng. Sau khi Quy hoạch được Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT sẽ giao các cơ quan liên quan (Cục HKVN, ACV...) báo cáo, đề xuất triển khai việc mở rộng các Cảng HKQT quan trọng. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tiến hành trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (Cục HKVN, ACV...) trong quá trình báo cáo, đề xuất triển khai Dự án để xem xét các hình thức hợp tác, đầu tư thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật.

“Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2021, trong đó nêu rõ Đường sắt là chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Hiện Bộ GTVT cũng đang trình Chính phủ xem xét, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với TMĐT dự kiến khoảng 58 tỷ USD”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục theo dõi thông tin triển khai các dự án đường sắt và đường sắt đô thị tại Việt Nam để có các đề xuất tham gia phù hợp.

Hai bên thống nhất sẽ giao các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau
trong quá trình nghiên cứu, đề xuất hợp tác

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm mong rằng tiếp tục sẽ nhận được sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của Chính phủ Nhật Bản và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới để tới năm 2023 sẽ có các dự án lớn được triển khai với sự hợp tác giữa hai quốc gia để chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023). Hai bên thống nhất sẽ giao các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình nghiên cứu, đề xuất hợp tác.

H.N