Bắc Ninh: Mục tiêu “5 tại chỗ” trong cải cách hành chính của Sở GTVT

Ngày 23/09/2022
Việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực giao thông vận tải luôn được Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Hiện tại, Sở đang hướng đến mục tiêu “5 tại chỗ”, xây dựng chính quyền điện tử vì dân phục vụ, thân thiện, trong sạch, minh bạch, hiện đại, nói không với tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà.

Ngày cuối tuần giữa tháng 9/2022, số lượng người đến giao dịch giải quyết thủ tục, hồ sơ ở quầy Sở GTVT tỉnh đặt tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đông hơn thường lệ, thế nhưng tất cả đều diễn ra trong nền nếp. Chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ (khu Hoà Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) vừa thực hiện xong thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe ô tô cho biết: giải quyết TTHC ở quầy Sở GTVT tỉnh đặt tại Trung tâm Hành chính công tỉnh tôi thấy thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên rất nhiệt tình, niềm nở. Cùng với đó, quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch, công khai tạo sự yên tâm, thoải mái cho người dân chúng tôi. Đặc biệt, thời gian giải quyết TTHC không còn rườm rà, mất nhiều thời gian như trước đây, chỉ sau 5-10 phút, tôi đã được nhận giấy hẹn cấp đổi Giấy phép lái xe và đăng ký với Bưu điện chuyển về địa chỉ cư trú rất thuận tiện cho người dân.

Ông Tống Ngọc Đông, Chánh Văn phòng Sở GTVT tỉnh cho biết hiện tại, Sở GTVT đang giải quyết 127 TTHC. Trong đó, 15 TTHC được tiếp nhận giải quyết tại Trung tâm đăng kiểm  phương tiện GTVT và cơ sở dạy nghề, đào tạo, sát hạch cấp GPLX; 20 TTHC mức độ 4 tiếp nhận giải quyết trên cổng dịch vụ công của Bộ GTVT và 92 TTHC tiếp nhận giải quyết trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Để đáp ứng tối đa nhu cầu giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức, thời gian qua, Sở GTVT thực hiện niêm yết công khai rõ ràng, đầy đủ và chính xác các thủ tục hành chính được công bố, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện đúng quy định. Việc niêm yết công khai được thực hiện theo quyết định công bố của UBND tỉnh; đối với các thủ tục có yêu cầu về mẫu đơn, mẫu tờ khai thì các mẫu đơn, mẫu tờ khai được đính kèm ngay sau thủ tục hành chính đó.

Ngoài hình thức niêm yết công khai nêu trên, Sở GTVT sử dụng thêm các hình thức công khai khác như: Đóng thành quyển đặt tại nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết; sử dụng máy tính có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của cơ quan; thông báo và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; báo cáo danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua bộ phận một cửa, xây dựng quy trình giải quyết TTHC, báo cáo UBND tỉnh để công bố thực hiện công khai.

Người dân được tạo điều kiện trong việc giải quyết TTHC tại
Bộ phận “một cửa” Sở GTVT đặt ở Trung tâm Hành chính công Tỉnh.

Những năm qua, Sở tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính phục vụ nhu cầu cấp thiết của nhân dân như cấp đổi giấy phép lái xe, cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe tô tô. Từ đầu năm 2022 đến nay, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Sở GTVT tỉnh tiếp nhận, giải quyết gần 1800 hồ sơ lĩnh vực cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu theo tiêu chí dịch vụ công mức độ 4; hơn 9000 hồ sơ lĩnh vực cấp, đổi GPLX…

Trên nguyên tắc “lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm”, nhằm đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2022, Sở GTVT tỉnh phấn đấu thực hiện cơ chế “5 tại chỗ” (Tiếp nhận, Giải quyết, Phê duyệt, Đóng dấu, Trả kết quả) đối với 100% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Mỗi TTHC thực hiện “5 tại chỗ” sẽ giảm ít nhất 2 bước của quy trình (cấp tỉnh 142 thủ tục, chiếm 30%; cấp huyện 48 thủ tục, chiếm 60% thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ) và giảm thời gian giải quyết 1 ngày làm việc.

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả cơ chế “5 tại chỗ”, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu, cải tiến quy trình, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân; phân cấp, ủy quyền cho cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quá trình; tích hợp với phần mềm Quản lý văn bản của tỉnh để thống nhất trong việc quản lý văn bản theo quy định. Tăng cường kiểm tra, thực hiện cơ chế tự giám sát giữa các cơ quan, tổ chức, công dân trong quá trình giải quyết TTHC nhằm minh bạch, công khai quy trình thực hiện, không để phát sinh các tiêu cực và chi phí không chính thức.

Nguồn: Báo Bắc Ninh1