Quy chế hoạt động của Tổ công tác nghiên cứu, đầu tư khai thác một số cảng hàng không

Ngày 04/10/2022
Ngày 03/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành – Tổ trưởng Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu (Tổ công tác 1121) đã ký Quyết định 101/QĐ-TCT1121 ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác này.

Quy chế hoạt động của Tổ công tác nghiên cứu, đầu tư khai thác một số cảng hàng không - Ảnh 1.

Quy chế hoạt động của Tổ công tác nghiên cứu, đầu tư khai thác một số cảng hàng không

Quy chế nêu rõ: Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác (Quyết định số 1121/QĐ-TTg).

Hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua khảo sát thực tế tại các cảng hàng không, sân bay; tổ chức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Tổ công tác. Ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc.

Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Tổ công tác

Tổ công tác gồm Tổ trưởng, Tổ phó thường trực, Tổ phó và các thành viên theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 1121/QĐ-TTg.

Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định số 1121/QĐ-TTg.

Tổ trưởng Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Tổ công tác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác; quyết định việc bổ sung, thay đổi thành viên Tổ công tác; chấp thuận và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của Tổ công tác.

Bên cạnh đó, Tổ trưởng Tổ công tác triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Tổ công tác, chỉ đạo chuẩn bị nội dung, các vấn đề đưa ra thảo luận ở Tổ công tác; ủy quyền cho Tổ phó thường trực chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ công tác, giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Tổ trưởng khi cần thiết.

Tổ phó thường trực Tổ công tác thực hiện và chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được Tổ trưởng Tổ công tác phân công; thành lập và điều hành Nhóm giúp việc.

Bên cạnh đó, Tổ phó thường trực Tổ công tác giúp Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Tổ công tác khi được phân công hoặc ủy quyền; chủ động giải quyết các vấn đề được phân công; báo cáo Tổ trưởng quyết định hoặc xin ý kiến chỉ đạo đối với những vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền; ký thay Tổ trưởng Tổ công tác các văn bản, kết luận khi được Tổ trưởng phân công hoặc ủy quyền; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, ủy quyền của Tổ trưởng.

Tổ phó Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng và Tổ phó thường trực về việc thực hiện các công việc được phân công hoặc ủy quyền; giúp Tổ trưởng và Tổ phó thường trực chỉ đạo, điều hành các công việc của Tổ công tác theo kế hoạch, nhiệm vụ được Tổ trưởng và Tổ phó thường trực phân công hoặc ủy quyền; chủ động giải quyết các vấn đề được phân công, xin ý kiến chỉ đạo của Tổ trưởng đối với những vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền; thực hiện các nhiệm vụ khác khi được phân công.

Thành viên Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Tổ công tác; nghiên cứu, đóng góp ý kiến chuyên môn, trong quá trình thực hiện hoạt động của Tổ công tác và chịu trách nhiệm về việc triển khai nhiệm vụ được phân công trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành, cơ quan mình. Bên cạnh đó, tham gia đầy đủ các cuộc họp của Tổ công tác, trong trường hợp vắng mặt thì có trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản hoặc ủy quyền cho người đi họp thay phát biểu ý kiến chính thức của thành viên Tổ công tác; được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động của Tổ công tác.

Chế độ họp của Tổ công tác

Theo Quy chế, Tổ công tác tổ chức họp để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tùy theo tính chất, nội dung cuộc họp, Tổ trưởng Tổ công tác quyết định mời các thành viên Tổ công tác và các tổ chức, cá nhân tham dự cuộc họp của Tổ công tác. Trường hợp không tổ chức họp, thành viên Tổ công tác có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thành viên Tổ công tác có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Tổ công tác và chuẩn bị nội dung báo cáo phần việc được phân công. Trường hợp vắng mặt, thành viên Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Tổ trưởng hoặc Tổ phó thường trực và cử người có trách nhiệm dự họp thay.

Quy chế nêu rõ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng tính kịp thời trong điều hành của Tổ công tác. Các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, vật chất phục vụ các cuộc họp trực tuyến khi cần thiết.

* Theo Quyết định số 1121/QĐ-TTg, đối với các sân bay quân sự Thành Sơn, Biên Hòa, Tổ công tác có nhiệm vụ: Tổ chức khảo sát, đánh giá vị trí, vai trò, hiện trạng hạ tầng, đất đai của các sân bay quân sự; đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, vùng trời khu vực xung quanh các sân bay; đánh giá điều kiện, khả năng tổ chức khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay; ảnh hưởng tới tổ chức, khai thác, nhu cầu vận tải các cảng hàng không lân cận.

Nghiên cứu, đề xuất sơ bộ phương án đầu tư, phương án tổ chức khai thác trong trường hợp bổ sung quy hoạch các sân bay trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo Thường trực Chính phủ việc nghiên cứu, xem xét chuyển các sân bay quân sự thành các sân bay lưỡng dụng trong Quý IV năm 2022.

Đối với các cảng hàng không Nà Sản, Vinh, Chu Lai, Cần Thơ, Tổ công tác có nhiệm vụ đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không thuộc địa phận của địa phương; khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tài sản quản lý bởi các cơ quan, đơn vị tại các cảng hàng không.

Đồng thời, nghiên cứu, xem xét Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không do UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, trong đó tập trung các nội dung: phạm vi, hình thức xã hội hóa đầu tư; trình tự thực hiện; lộ trình thực hiện; rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung (nếu có); phương án tổ chức thực hiện; báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không trong Quý IV năm 2022.

Ngoài ra, Tổ công tác còn có nhiệm vụ rà soát các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị về bổ sung quy hoạch các sân bay giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nguồn: Chinhphu.vn