Dồn lực thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đảm bảo cán đích trước 3 tháng

Ngày 06/10/2022
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km) là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong 3 dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) và là 1 trong 11 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 85 làm đại diện cơ quan quản lý Nhà nước tại dự án; Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư. Được khởi công từ tháng 12/2021, dự án dự kiến thi công trong 24 tháng, thông xe cuối năm 2023, với quy mô 4 làn xe, đạt vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Đến thời này, dự án đã đạt tiến độ tổng thể khoảng 32%, đúng tiến độ.

Chú thích ảnh

Bình đồ dự án đầu tư xây dựng cao tốc thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. 

Chú thích ảnh

Thi công móng cầu vượt trên tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh Ninh Thuận.

Chú thích ảnh

Toàn cảnh thi công cầu vượt trên tuyến cao tốc nhìn từ trên cao.

Chú thích ảnh

Hệ thống dầm bê tông đúc tại chỗ đã hoàn thành, chờ đưa vào công trường thi công cầu vượt.

Chú thích ảnh

Khu vực tập kết xi măng, cát, đá, máy nghiền, máy trộn...
để sản xuất bê tông tươi tại chỗ phục vụ thi công.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có điểm đầu tại Km 54+00 phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc thành phần Nha Trang – Cam Lâm); điểm cuối tại Km 134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo chia sẻ, trong quá trình thực hiện dự án đến nay, nhà đầu tư gặp phải nhiều khó khăn do thiếu hụt mỏ đất đắp và tăng giá nguyên vật liệu. Các mỏ vật liệu tư vấn thiết kế dự kiến thực tế không có khả năng khai thác, nhà đầu tư đã phải chủ động cùng với địa phương để tìm kiếm các mỏ vật liệu khác thay thế. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 và chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, gây biến động tăng giá nhiên liệu và các loại vật liệu thiết yếu như: Xi măng, sắt thép, xăng dầu, vật liệu nổ… vượt qua dự phòng của dự án. Ngoài ra, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa năm nay đến sớm, mưa nhiều hơn mọi năm... thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công thời gian qua.

Khắc phục mọi khó khăn, nhà đầu tư dự án và các nhà thầu trong những tháng qua đã có nhiều biện pháp bảo đảm tiến độ thi công. Đáng chú ý, trên công trường, dự án thường xuyên duy trì và huy động tối đa hơn 1.000 cán bộ tư vấn giám sát, kỹ sư, công nhân, người lao động và khoảng 500 đầu máy móc thiết bị các loại, trải dài trên toàn tuyến, thi công 3 ca/ngày... với mục tiêu đặt ra là đưa dự án cán đích trước 3 tháng so với mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT giao.

Chú thích ảnh

Công nhân hàn gia cố hệ thống khung dầm sắt hàng loạt, chờ thi công hầm Núi Vung
thuộc tỉnh Ninh Thuận. 

Chú thích ảnh

Thi công dầm trụ cầu vượt trên tuyến cao tốc.

Chú thích ảnh

Thi công dầm đỡ mặt cầu vượt trên tuyến cao tốc.  

Chú thích ảnh

Lu lèn mặt đường các đoạn tuyến đã có mặt bằng, chờ gia tải, trước khi thảm cấp phối đá dăm.

Chú thích ảnh

Công trường thi công 2 ống hầm phía Bắc hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc.

Chú thích ảnh

Công trường thi công 2 ống hầm phía Nam hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc.

Ghi nhận tại hiện trường dự án, nhà đầu tư đang triển khai phần đường gồm 5 mũi thi công lu lèn, gia tải các đoạn Km54 - Km60, Km60 - Km66, Km66 - Km74, Km 74 - Km 83, Km83 - Km92+260. Đối với công đoạn phá đá nổ mìn, nhà đầu tư đang bố trí 3 mũi thi công đoạn Km 56+420 - Km57+400; đoạn Km 57+400 – Km 60+000 và đoạn Km 60+000 – Km 63+000).

Riêng phần cầu: Cầu Km56 (Km55+982) đang thi công xong mố M1, trụ T1-T3, hoàn thành bản mặt cầu nhịp N1, N2, N3, đang thi công các trụ T4, T5, T11, T12 ,T13, T14 và khoan cọc nhồi; cầu Km60 (Km60+552) đang khoan cọc nhồi, thi công trụ T15,T16, T17, T18, Mố M1. Các cầu Sông Trâu, ĐT 706 (Km63+636), Ba Hồ, vợt TL705, nút giao Du Long... đang tập kết thiết bị, vật liệu tại chỗ để sẵn sàng thi công đồng loạt. Ngoài ra, nhà đầu tư đã triển khai 3 bãi đúc dầm Super T tại chỗ và hoàn thành 100% đường công vụ dọc tuyến cao tốc...

Chú thích ảnh

Nhà thầu huy động tối đa thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu... tập kết tại chỗ, sẵn sàng thi công khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Chú thích ảnh

Thi công hệ thống trụ, dầm cầu, đường dẫn... vào 2 ống hầm phía Nam hầm Núi Vung.

Chú thích ảnh

Công trường thi công cầu Nam Hầm 1 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
trên tuyến cao tốc nhìn từ trên cao.

Chú thích ảnh

Đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành thảm cấp phối đá dăm.

Chú thích ảnh

Thành hình cao tốc thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo
trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020. 

Khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay của dự án là đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Ninh thuận đang vướng di dời hạ tầng kỹ thuật và đường dây điện 22 KV dọc QL27 (phạm vi nút giao Phan Rang); đường dây hạ thế 0.4 KV và đường điện dân sinh; đường dây thông tin của VNPT, Viettel, viễn thông Phan Rang, Mobiphone, cáp FPT; đường dây 22 KV trên tuyến chính cao tốc; đường điện dân sinh của 10 hộ dân xã Phước Sơn... Nhà đầu tư dự án đang tập trung phối hợp với các địa phương thống nhất phương án di dời để có mặt bằng thi công đồng loạt.

Để hoàn thành, đưa dự án vào vận hành khai thác, thời gian tới, dự án sẽ còn nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc về mặt bằng, vật liệu từ phía các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương có dự án đi qua. Bên cạnh đó, vấn đề bất cập của cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang đặt ra là trong hồ sơ thiết kế dự án chưa có hạng mục trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu... Vì vậy, nhà đầu tư kiến nghị Bộ GTVT giao nhà đầu tư tiếp tục triển khai hạng mục này, nhằm bảo đảm hoàn thành đồng bộ, thông suốt dự án vào cuối năm 2023. 

Cao tốc thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đưa vào khai thác, không chỉ kết nối hoàn chỉnh, thông suốt tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đồng bộ với các tuyến đường địa phương, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, phát huy hiệu quả kết nối giao thông giữa tuyến cao tốc Bắc Nam đến Cảng biển nước sâu Cà Ná, khu kinh tế phía Nam tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Nguồn: Báo Tin tức