Vì sao 17 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài?

Ngày 10/10/2022
Trong 9 tháng đầu năm, có 17 tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài vì những khiếm khuyết về vấn đề kỹ thuật, giấy chứng nhận thuyền viên.

17 tàu treo cờ Việt Nam bị lưu giữ trong 9 tháng đầu năm

Chia sẻ tại Hội nghị An toàn phương tiện hàng hải năm 2022 diễn ra hôm nay (7/10), ông Phạm Hải Bằng - Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, có tổng cộng 17 lượt tàu mang cấp đăng kiểm Việt Nam bị lưu giữ PSC (kiểm tra của chính quyền cảng).

Trong đó, riêng tại khu vực Tokyo MOU, có 13 lượt tàu treo cờ Việt Nam bị lưu giữ PSC trên tổng số 610 lượt kiểm tra PSC lần đầu. Tỷ lệ lưu giữ là 2,13%.

Ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN phát biểu tại hội nghị

Riêng trong tháng 9/2022 tại khu vực Tokyo MOU có 6 lượt tàu bị lưu giữ PSC trên tổng số 78 lượt kiểm tra. Tỉ lệ lưu giữ 7,7%.

Các tàu bị lưu giữ chủ yếu mắc các khiếm khuyết liên quan đến Giấy chứng nhận về tình hình sức khỏe của thuyền viên, tình trạng kín nước/ kín thời tiết, thiết bị phòng cháy của Hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, ngăn ngừa ô nhiễm theo phụ lục I và hệ thống quản lý an toàn ISM.

Để hạn chế tình trạng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ, Cục Đăng kiểm VN đề xuất trong thời gian tới tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng công tác đăng kiểm tàu biển. Thực hiện kiểm soát quá trình đối với tàu biển đóng mới, hoán cải. Cùng đó, kiểm tra đột xuất tàu biển đang khai thác khi kiểm tra trên đà, định kỳ.

Cùng đó, thực hiện kiểm tra tăng cường tàu biển hoạt động tuyến quốc tế trong các tháng cuối năm 2022. Thực hiện đánh giá bổ sung hệ thống quản lý an toàn công ty và tàu. Đồng thời, thực hiện cấp giấy chứng nhận điện tử cho tàu biển đảm bảo nhanh chóng, chính xác vào đầu năm 2023.

“Trường hợp phát hiện tàu có khiếm khuyết không ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động an toàn và phòng ngừa ô nhiễm của tàu và không thể khắc phục được ngay, đề xuất giao cho đơn vị kiểm tra tàu chủ động tháo gỡ cấp giấy chứng nhận có điều kiện cho tàu và có lộ trình để chủ tàu khắc phục”, đại diện Cục Đăng kiểm VN nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm trong công tác đăng kiểm tàu biển như giáo dục tinh thần trách nhiệm và ý thức chống biểu hiện tiêu cực trong công tác đăng kiểm với lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ; Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, thỏa đáng các hành vi vi phạm của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên trong thực thi công vụ; tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực kiểm tra tàu độc lập cho các đăng kiểm viên của các đơn vị đăng kiểm nhằm tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Đội tàu Việt Nam hoạt động an toàn, hiệu quả

Hội nghị cũng đưa ra nhiều thông tin, cập nhật các quy định quốc tế về lao động hàng hải; những thông tin cập nhật các QCVN liên quan. Đồng thời, hướng dẫn cách tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có (EEXI) và các trình tự thẩm định tài liệu và kiểm tra chứng nhận EEXI.

2 năm qua, đội tàu Việt Nam hoạt động cơ bản an toàn, hiệu quả. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục Trưởng Cục Đăng kiểm VN nhận định trong 2 năm qua, đội tàu Việt Nam hoạt động cơ bản an toàn, hiệu quả, không có những vấn đề đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên hiện nay, PSC (chính quyền cảng biển) đã tăng cường kiểm tra nên thời gian tới, còn nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra, trong đó có những sửa đổi bổ sung mới về các Công ước lao động hàng hải, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường...

Ông Hải thông tin hiện nay, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam. Trong đề án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2026, đội tàu biển Việt Nam phải đảm đương được 10% thị phần xuất nhập khẩu của Việt Nam và đạt 20% vào năm 2030.

Do đó, Việt Nam cần có những chính sách để hỗ trợ các đội tàu biển. “Trong việc đổi mới cơ chế và cải cách hành chính, dự kiến năm 2025 sẽ sửa đổi toàn diện Bộ luật hàng hải VN 2015 để trình Quốc hội dự thảo và hy vọng sẽ được thông qua vào năm 2027.

Chúng ta sẽ có Bộ luật Hàng hải đầy đủ, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho ngành vận tải biển phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành hàng hải ở tất cả các khâu, từ khâu thiết kế tàu đến bãi cắt phá”, ông Hải nói.

Đối với tình trạng năng lực, thái đội và trách nhiệm của thuyền viên trên tàu, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN khẳng định điều này không chỉ liên quan đến PSC mà còn liên quan tới tình hình tai nạn hàng hải. Đây là điều cần hết sức quan tâm trong thời gian tới.

Dù vậy, ông Hải đánh giá thời gian tới, ngành hàng hải có nhiều cơ hội phát triển. Cụ thể hiện nay đã tới kỳ thay đổi nhiều tàu, nhất là các gam tàu dưới 10.000 tấn, hầu hết được đóng trong giai đoạn 2005-2010. Tới nay, các tàu đã xuống cấp nghiêm trọng và đây là cơ hội cho ngành đóng tàu Việt Nam trong tương lai.

“Các công ty vận tải biển cũng đang tập trung mua nhiều tàu cỡ lớn để phát triển đội tàu vận tải biển”, ông Hải nói và cho biết thêm, thời gian tới ta vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Trong đó, có cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Điều này sẽ khiến các chủ tàu, doanh nghiệp và ngành hàng hải phải chung tay thay đổi về công nghệ, các vấn đề về giảm phát thải ròng. “Chúng tôi luôn sẵn sàng để đội tàu Việt Nam không bị tụt hậu và để ngành đóng tàu Việt Nam phát triển”, ông Hải cho hay.

Nguồn: Báo Giao thông