Đầu tư 200 tỷ đồng lắp hệ thống cảnh báo tự động tại 112 đường ngang

Ngày 13/10/2022
Đường sắt lắp đặt hệ thống tự động báo tàu đến gần cho nhân viên gác chắn đường ngang, gia tăng đảm bảo an toàn.

Tự động báo tàu đến cho nhân viên gác chắn

Cục Đường sắt VN cho biết, đường sắt đang triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị báo tàu đối với các đường ngang có gác, nhằm tự động báo cho nhân viên gác chắn tàu sắp đến để tác nghiệp đóng chắn kịp thời, đảm bảo an toàn.

Theo quy trình chung hiện nay, khi lên ban, nhân viên gác chắn được thông báo kế hoạch chạy tàu trong vòng 8 giờ.

Đường sắt triển khai lắp đặt hệ thống tự động báo tàu đến gần cho nhân viên gác chắn biết
để ra tác nghiệp đóng chắn, đảm bảo đón tàu qua đường ngang an toàn.

Ảnh minh họa

Khi có tàu chạy trên thực tế và sắp vào ga, nhân viên nhà ga phải báo cho nhân viên gác chắn giờ tàu xin đường, giờ báo chạy. Nhân viên gác đường ngang nhận được thông tin này, theo quy định sau bao nhiêu phút sẽ ấn nút bật chuông đèn cảnh báo và ra đường ngang “canh” tàu.

Tức là quan sát từ xa để nhận biết tàu sắp đến, căn giờ đóng chắn để tránh tắc đường bộ, rồi tác nghiệp đóng chắn (đẩy giàn chắn hoặc hạ cần chắn) hoàn toàn, tiếp theo khai thông biển đỏ phía đường sắt báo hiệu cho lái tàu biết đường ngang thanh thoát và vào vị trí quy định làm tín hiệu đón tàu qua.

“Tuy quy định, quy trình tác nghiệp chặt chẽ như vậy nhưng không tránh khỏi rủi ro từ yếu tố chủ quan có thể xảy ra như: Trực ban chạy tàu ga quên hoặc báo giờ tàu sắp đến cho nhân viên gác chắn; Nhân viên gác đường ngang ngủ quên hoặc chậm thao tác đóng chắn...

Vì vậy, ngoài quy trình hiện hành, cần thiết lắp đặt bổ sung hệ thống tín hiệu gia tăng cảnh báo tự động cho nhân viên gác chắn biết tàu sắp đến để ra đường ngang làm tác nghiệp đóng chắn, đón tàu”, đại diện Cục Đường sắt VN cho hay.

Cụ thể, với hệ thống này, tại các vị trí đường sắt giữa ga và đường ngang sẽ lắp đặt cảm biến; Vị trí lắp đặt phụ thuộc vào tốc độ chạy tàu cho phép trong khu gian (khoảng cách đường sắt giữa hai ga liền kề), nhưng phải đảm bảo thời gian tàu chạy qua cảm biến đến đường ngang tối thiểu là 120 giây.

Khi tàu chạy qua các cảm biến này, tín hiệu từ cảm biến sẽ thông qua đường cáp dọc đường sắt truyền về tủ điều khiển đặt tại đường ngang. Thiết bị tại tủ điều khiển sẽ tự động bật chuông trong nhà gác để báo cho nhân viên gác chắn biết 120 giây nữa có tàu đến. Nghĩa là thay vì phải ra đường ngang tự căn thời gian và “canh” tàu như hiện nay, nhân viên gác chắn chỉ ở trong nhà gác cũng biết ít nhất 120 giây nữa có tàu đến đường ngang và ra tác nghiệp.

Các thiết bị tại tủ điều khiển cũng tự động bật chuông kêu, đèn đỏ cảnh báo ở đường ngang để báo cho người tham gia giao thông đường bộ biết sắp có tàu đến và dừng lại trước đường ngang, không đi vào khu vực nguy hiểm. Đồng thời phòng ngừa trường hợp nhân viên gác chắn quên hoặc thao tác ấn nút bật chuông đèn chậm.

2024, hoàn thành lắp đặt cảnh báo tự động tại 566 đường ngang

Cục Đường sắt VN cho biết, việc lắp đặt hệ thống thiết bị tự động báo tàu này được triển khai theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cuối năm 2021.

Hệ thống báo tàu đến gần còn tự động bật chuông đèn cảnh báo phía đường bộ
để báo cho người tham gia giao thông biết, dừng trước đường ngang có gác. Ảnh minh họa

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt VN sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu theo quy định đối với 566 đường ngang có gác, thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2023.

Tuy nhiên, năm 2022 từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế mới bố trí được 200 tỷ đồng, để triển khai lắp đặt tại 112 đường ngang có gác.

Đối với các đường ngang còn lại, Cục Đường sắt VN đang kiến nghị năm 2023 bố trí 560 tỷ để triển khai thực hiện đối với 282 đường ngang có gác. Năm 2024 sẽ thực hiện nốt với các đường ngang còn lại.

Việc triển khai lắp đặt sẽ ưu tiên các đường ngang trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí đường ngang có lưu lượng phương tiện qua lại lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

“Hiện Tổng công ty Đường sắt VN đang triển khai lắp đặt 112 hệ thống, tiến độ cuối năm 2022 phải hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống tại một đường ngang lớn, khoảng 1,6-1,8 tỷ đồng. Nhưng đầu tư lắp đặt được hệ thống thiết bị này chắc chắn sẽ giảm thiểu nhiều yếu tố rủi ro từ chủ quan con người.

Vì vậy, với số đường ngang có gác còn lại, mong rằng sẽ được bố trí vốn kịp thời để năm 2024 hoàn thành toàn bộ, góp phần giảm thiểu yếu tố chủ quan từ phía con người, gia tăng hệ số an toàn chạy tàu”, đại diện Cục Đường sắt VN nói.

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tính đến 30/9, hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia có 1.510 đường ngang các loại. Trong đó có 660 đường ngang có nhân viên gác chắn, 704 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 9 đường ngang cảnh báo tự động, 137 đường ngang biển báo.

Tại các đường ngang có nhân viên gác chắn, các công ty bảo trì cầu đường đường sắt cho lắp đặt các camera tại đường ngang và trong nhà gác. Các hình ảnh từ camera được truyền về trung tâm giám sát đặt tại công ty.

Nhân viên trực giám sát có thể quan sát khu vực đường ngang, theo dõi hiện trạng giao thông, giám sát việc thực hiện quy trình tác nghiệp của nhân viên gác chắn, đồng thời hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại khu vực đường ngang.

Nguồn: Báo Giao thông