Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế thuộc Dự án ENHANCE

Ngày 31/10/2022
Nằm trong khuôn khổ của dự án ENHANCE, từ ngày 20-24/10/2022, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế và các hoạt động trải nghiệm thực tế. Nhiều vấn đề liên quan đến cộng đồng, phát triển bền vững như môi trường, tái chế rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, giao thông thông minh… của các diễn giả thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, khách mời.

Dự án ENHANCE (Enabling Humanitarian Attributes for Nurturing Community–based Engineering) là dự án được tài trợ bởi Eramus + CBHE. Dự án được chủ trì bởi Trường ĐH Warwick, Vương quốc Anh và ĐH West Attica, Hy Lạp với sự tham gia của 8 Trường đại học thành viên trong đó có Đại học Bách Khoa và Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM.

Trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2022, chương trình hội thảo với chủ đề ““Đưa yếu tố con người và môi trường vào chương trình đào tạo ngành kỹ thuật” đã diễn ra tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh. UTH rất hân hạnh được đón tiếp các giảng viên và nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, đại diện các phòng/ban/ngành liên quan, các doanh nghiệp địa phương, nhà tuyển dụng, giảng viên và sinh viên.

Theo PGS.TS Phạm Thị Anh, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Môi trường, Đại học Giao thông vận tải TP. HCM, thành công dự án mang lại đó chính là sự đổi mới trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá trong các trường Đại học.

Đặc biệt riêng trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM đã đưa môn học mới có tên gọi là “Môi trường và phát triển bền vững” cho sinh viên không chuyên ngành môi trường và được sự đón nhận tích cực.

Giáo sư Georgia Kremmyda – Giám đốc Dự án ENHANCE, ĐH Warwick, Vương quốc Anh

Tại hội thảo, ông AKM. Saiful Islam - Giáo sư tại Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Bangladesh đã có bài báo cáo với chủ đề “Thiết kế chương trình giáo dục thạc sĩ đặc thù lĩnh vực biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro trước những thách thức nhân loại”.

Theo đó, Bangladesh - quốc gia chịu ảnh hưởng của hai dãy khí hậu khác nhau ở hai miền Nam - Bắc (Vịnh Bengal ở phía Nam và vùng hoang mạc khô ở phía Bắc), có nhiều nét tương đồng với điều kiện thời tiết ở Việt Nam, đã và đang có nhiều chương trình để cải tạo nguồn nước, lớp địa chất.

Trong giai đoạn 2016-2019, lũ quét, ngập úng đã khiến cho mùa vụ tại quốc gia này chịu nhiều thiệt hại, năm 2016 với 30% diện tích mùa vụ bị ảnh hưởng, chỉ trong vòng một năm sau đó (2017), ước thiệt hại đã tăng lên đáng kể với 90% tổng diện tích hoa màu.

Để giảm thiểu thiệt hại kể trên cũng như tận dụng giá trị vòng tuần hoàn của nước, người dân Bangladesh đã có thể tận dụng để tưới tiêu, phục vụ sản xuất và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm.

PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt - Đức, Trường ĐH Việt Đức đã đưa ra những giải pháp từ việc sử dụng phương tiện chạy bằng động cơ điện để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính từ các phương tiện giao thông.

Các phương tiện hiện đại mới mà PGS-TS Vũ Anh Tuấn trình bày sẽ đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của người tiêu dùng: điều khiển xe tự động, giảm phát thải khí ô nhiễm, công nghệ V2X – cho phép các phương tiện kết nối đồng bộ với nhau cũng như giao tiếp với người dùng.

PGS-TS Vũ Anh Tuấn cho rằng, đề tài về giao thông thông minh sẽ giúp cho những kỹ sư trẻ một phương pháp tiếp cận mới trong công tác quy hoạch, thiết kế, quản lý, vận hành các hệ thống giao thông trong tương lai để giải quyết vấn đề tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giúp cho các thành phố lớn ở Việt Nam giải quyết vấn đề đi lại một cách bền vững.

Trả lời câu hỏi về những thách thức, khó khăn mà chương trình gặp phải khi áp dụng vào điều kiện thực tế của TP.HCM, PGS-TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh, bên cạnh sự đồng hành của các chuyên gia, chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ trong thực hiện dự án xe điện thành phố.

Đây là dự án mang tính chiến lược, cần hết sức cẩn trọng trong việc quy hoạch lộ trình (có thể là từ 5 - 10 năm).

Cũng theo PGS-TS Vũ Anh Tuấn, sử dụng phương tiện bằng động cơ điện giúp bảo vệ môi trường còn mới mẻ với người dân thành phố, song một khi mô hình này đã quen thuộc, nó sẽ trở thành thói quen và góp phần bảo vệ môi trường trong tương lai.

Tại Hội thảo nNhiều vấn đề liên quan đến cộng đồng, phát triển bền vững như môi trường, tái chế rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, giao thông thông minh…  của các diễn giả cũng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, khách mời  như: PGS.TS Phạm Thị Anh đã trình bày về chủ đề “Nâng cao Chương trình đào tạo Cử nhân và Thạc sĩ Kỹ thuật tại Đại học UTH: tiến độ và kết quả”, và chủ đề “Thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường kênh rạch và quản lý rủi ro ngập lụt tại TP.HCM, Việt Nam ”; TS Đỗ Hùng Chiến với báo cáo về “Hoạt động cộng đồng của trường ĐH GTVT TPHCM”; TS. Nguyễn Thị Thu Trà với chủ đề “Lún nền đất cát do EPB TBM - Một nghiên cứu điển hình tại tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở Việt Nam”. ThS. Vũ Ngọc Hà với báo cáo về "Dạy và học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục đại học trong thời kỳ Covid 19".

Vào ngày 24/10/2022, các thành viên dự án có chuyến khảo sát thực tế tại hệ thống xử lý nước thải Bình Hưng và có cuộc họp với ban lãnh đạo để đánh giá quá trình vận hành cũng như đề xuất phương hướng phát triển trong tương lai.

Những nội dung tại hội thảo hứa hẹn mở ra những dự án mới, giúp phát triển các chương trình đào tạo khối kỹ thuật các trường thành viên, tích hợp các yếu tố về nhân đạo vào các chương trình đào tạo, hướng tới việc người học sau khi tốt nghiệp có khả năng vận dụng các kiến thức chuyên môn nhằm phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững.

 

Nguồn: Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh