Giải pháp quản lý dữ liệu để đột phá trong quá trình CĐS

Ngày 01/11/2022
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) mới chỉ dừng lại ở số hoá mà chưa quan tâm đến việc lưu trữ, quản lý vòng đời dữ liệu cũng như bảo vệ an toàn thông tin (ATTT). Nessar hợp tác với Quantum kỳ vọng sẽ giúp giải quyết bài toán bảo mật và quản lý dữ liệu để có những bước đột phá trong chuyển đổi số (CĐS).

Hợp tác để giải bài toán về dữ liệu - tài sản quý giá nhất trong CĐS.

Chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề lưu trữ, quản lý dữ liệu

Đánh giá về thực trạng lưu trữ dữ liệu và quản lý vòng đời dữ liệu hiện nay của các DN Việt Nam, ông Vũ Thành Công, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ - Công ty Cổ phần Công nghệ Nessar Việt Nam cho biết, đối với các DN ở quy mô lớn, các đơn vị này đều có nhu cầu lưu trữ lớn và có nhiều loại dữ liệu khác nhau. 

Tuy nhiên, hiện tại các hệ thống đang vận hành chỉ dừng lại ở mức lưu trữ, sử dụng dữ liệu và chưa được đầu tư các hệ thống quản lý vòng đời dữ liệu nhằm tối ưu hoạt động của ứng dụng và người dùng. Tiếp theo, khi có nhu cầu mở rộng dung lượng và tốc độ truy xuất dữ liệu, các đơn vị mới chủ yếu chỉ tiến hành nâng cấp, mở rộng theo từng hệ thống riêng lẻ, dẫn đến thiếu tính đồng bộ và có thể gây lãng phí.

Còn với nhóm DN nhỏ và vừa (SME), các đơn vị này thường đầu tư sử dụng những hệ thống đơn giản để lưu trữ dữ liệu, chưa tối ưu được tốc độ truy xuất dữ liệu cho các ứng dụng và đối tượng người dùng khác nhau.

Từ đó, theo ông Công, hầu hết các đơn vị hiện nay mới tập trung đến vấn đề làm thế nào để đưa ra quy trình, nghiệp vụ hoạt động từ thủ công đưa lên các hệ thống, ứng dụng số hóa. Chưa kể, một yếu tố quan trọng nữa chưa được quan tâm đúng mức là làm sao có thể tiến hành tổ chức lưu trữ, quản lý vòng đời dữ liệu để tiến hành khai thác dữ liệu đó một cách hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu của quá trình CĐS đó chính là khai thác được các dữ liệu đã số hóa. 

"Việc có giải pháp lưu trữ và quản lý vòng đời dữ liệu hiệu quả sẽ giúp quá trình sử dụng và khai thác dữ liệu sẽ đạt được hiệu quả cao, qua đó giúp giải quyết được bài toán mà quá trình CĐS cần đạt được", ông Công khẳng định.

Tại thời điểm hiện tại trên thị trường chỉ có một số ít hãng công nghệ có khả năng đáp ứng được một phần nào đó nhu cầu quản lý vòng đời dữ liệu của các đơn vị, DN. Bởi vì, quá trình CĐS diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, dẫn đến việc có thêm rất nhiều loại dữ liệu khác nhau, trong đó dữ liệu không có cấu trúc (unstructured data) như email, văn bản, video, hình ảnh…. chiếm tỷ lệ lên đến 90%.

Cần xây dựng kiến trúc tổng thể lưu trữ và quản lý vòng đời dữ liệu ngay từ ban đầu

Hiện nay, đang có rất nhiều đơn vị, tổ chức, DN từ nhiều quy mô khác nhau đã sử dụng giải pháp, sản phẩm của Quantum để phục vụ quá trình CĐS. Qua thực tế thực hiện, các đơn vị đã được các hiệu quả như đơn giản hoá quá trình sử dụng và vận hành hệ thống lưu trữ và quản lý vòng đời dữ liệu do sử dụng giải pháp, sản phẩm đến từ một hãng cung cấp duy nhất cho toàn bộ nhu cầu với chi phí đầu tư luôn ở mức độ hợp lý.

Đồng thời, giải pháp này cũng giúp các DN dễ dàng mở rộng, nâng cấp hệ thống đối với nhiều yêu cầu khác nhau bao gồm: dung lượng lưu trữ, tốc độ truy xuất, hỗ trợ nâng cấp dễ dàng bằng giấy phép (license) mở rộng, mở rộng lưu trữ nhiều dạng dữ liệu khác nhau, sẵn sàng mở rộng hệ thống ở quy mô lớn. 

"Quan trọng nhất, các đơn vị có khả năng tận dụng lại các tài nguyên, hệ thống lưu trữ đã đầu tư trước đó vào một hệ thống tổng thể mới.", ông Công cho biết thêm.

Cụ thể, ở giai đoạn phát triển đầu tiên của các DN thì nhu cầu và quản lý vòng đời dữ liệu sẽ ở mức đơn giản đối với các loại dữ liệu cơ bản và dung lượng lưu trữ ở mức thấp. Ở các giai đoạn phát triển tiếp theo thì nhu cầu và quản lý vòng đời dữ liệu sẽ gia tăng các loại dữ liệu đa dạng và phức tạp hơn, dung lượng lưu trữ cũng gia tăng không ngừng, yêu cầu truy xuất dữ liệu đòi hỏi tốc độ cao, phức tạp hơn trong việc cung cấp các kết nối phục vụ truy xuất, sử dụng và khai thác dữ liệu.

Ngoài ra, các DN cũng sẽ cần lưu ý đến bài toán đảm bảo an toàn dữ liệu trước các nguy cơ mất mát dữ liệu, tấn công mã độc tống tiền (ransomware). 

Theo ông Công, các đơn vị, DN cần xây dựng được kiến trúc tổng thể lưu trữ và quản lý vòng đời dữ liệu ngay từ ban đầu, sau đó tùy theo các giai đoạn phát triển sẽ đầu tư và mở rộng các thành phần cần thiết, phù hợp với sự phát triển của đơn vị, DN.

2 thách thức về dữ liệu của DN Việt khi CĐS

Cũng theo ông Công, có 2 thách thức mà hầu hết các đơn vị đang gặp phải trong quá trình CĐS liên quan đến vấn để dữ liệu. Đầu tiên, đó là việc lưu trữ, quản lý vòng đời cũng như việc trang bị, sử dụng các hệ thống lưu trữ dữ liệu.

Như với việc quản lý vòng đời, sử dụng, khai thác của DN hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của CĐS. Ngoài ra, các đơn vị đang sử dụng dữ liệu phục vụ CĐS đa số đang dưới dạng phân tán, khó bảo vệ. Vì vậy, Quantum có đầy đủ các thiết bị phần cứng giúp lưu trữ tốc độ cao kết hợp cùng với phần mềm quản lý vòng đời cho phép sử dụng, khai thác và bảo vệ dữ liệu một cách tối ưu.

Thách thức thứ hai là vấn đề bảo mật dữ liệu, tài sản quý giá nhất trong quá trình CĐS trước các nguy cơ tấn công mạng nhằm đánh cắp dữ liệu, tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc ransomware. Hiện có 2 phương án bảo vệ dữ liệu trước những kẻ tấn công, đó là bảo vệ gián tiếp thông qua việc trang bị các giải pháp ATTT nhằm ngăn chặn các tin tặc có thể tấn công và tiếp cận được hoặc các nguy cơ đến từ ransomware ngày càng phổ biến hiện nay đến dữ liệu đang được lưu trữ của đơn vị, DN. 

Phương án thứ 2 là bảo vệ trực tiếp bằng việc trang bị các giải pháp, sản phẩm, tiến hành sao lưu dữ liệu thành nhiều bản sao khác nhau, dưới nhiều dạng lưu trữ, ở nhiều vị trí nhằm đảm bảo trong trường hợp cần thiết vẫn có thể khôi phục dữ liệu đầy đủ và nhanh chóng, không gây gián đoạn hoạt động của đơn vị.

 

Nguồn: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông